Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 02-03-2019] Nếu nói rằng mối quan hệ giữa tôi và cha tôi cứng như đá có lẽ vẫn là cách nói nhẹ nhàng. Tôi chưa bao giờ có thể nói chuyện được với ông ấy. Ông là người kiêu ngạo, tính khí thất thường và ích kỷ. Tôi cũng nóng tính và sau nhiều năm căng thẳng giữa chúng tôi, tôi không thể chịu đựng được ông ấy. Bất cứ khi nào bắt đầu nói chuyện, chúng tôi sẽ lập tức tranh cãi. Ông ấy sẽ nói những điều khiến tôi tổn thương nhất, như thể tôi là một người hoàn toàn xa lạ; Tôi chưa bao giờ cảm nhận được tình cảm của một người cha dành cho mình.

Khi còn đang học cấp hai, tôi quyết định sẽ đi học đại học ở nước ngoài để có thể tránh xa ông. Tôi dự định sẽ không bao giờ quay lại. Tuy nhiên, sau này tôi lại vào học một trường dạy nghề ở trung tâm của tỉnh. Ba năm sau, tôi tốt nghiệp và được phân cho một công việc ở quê nhà. Giấc mơ xuất ngoại để tránh xa cha cũng thất bại.

Nhiều thứ thay đổi

Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1995, tôi dần thay đổi. Tôi đo lường lời nói hành động của mình bằng nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, cố gắng hết sức để trở thành một người tốt, tốt hơn nữa. Mặc dù quan niệm của tôi về cha đã thay đổi, nhưng ông vẫn làm tôi khó chịu. Tôi cố gắng không tranh luận với ông nữa. Tôi đã nói với ông về Pháp Luân Đại Pháp và vào năm 1996, tôi bật băng hình các bài giảng Pháp của Sư phụ Lý Hồng Chí cho cha mẹ mình xem. Mặc dù cha tôi rất kiêu ngạo, nhưng sau khi xem các bài giảng, ông nói rằng Sư phụ Lý Hồng Chí (nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp) không phải là người thường.

Ngày 20 tháng 7 năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Cha mẹ tôi vẫn cảm thấy Pháp Luân Đại Pháp là tốt. Tuy nhiên, khi tôi bị kết án hai năm trong trại lao động cưỡng bức vì nói chuyện với người dân về vụ tự thiêu giả mạo ở quảng trường Thiên An Môn, họ trở nên im lặng.

Tôi tiếp tục tu luyện Pháp Luân Đại Pháp sau khi được thả. Họ không phản đối, nhưng họ lo lắng. Tôi khuyên họ niệm: “Pháp Luân Đại Pháp hảo; Chân-Thiện-Nhẫn hảo.” Cơn đau ở chân và chứng mất ngủ của cha tôi đã giảm dần. Quan trọng nhất là ông không còn cần dùng thuốc dạ dày nữa.

Tôi đưa cho ông một cuốn Chuyển Pháp Luân và bảo ông đọc cuốn sách bất cứ khi nào có thời gian. Mẹ tôi không biết chữ nên tôi lấy cho bà một chiếc máy đọc sách. Nhưng tính nóng nảy của cha tôi vẫn không cải thiện, điều đó khiến tôi nghĩ rằng ông chưa hề đọc Chuyển Pháp Luân.

Hành vi của cha tôi phản ánh chấp trước của tôi

Trong dịp mừng năm mới, cha tôi đã nói một số chuyện khiến tôi buồn. Thay vì ngay lập tức hướng nội, tôi bị khó chịu và cơn phẫn nộ bùng lên. Tôi cứ nghĩ rằng cha đã sai. Tôi tự nhủ, lần sau khi đến thăm họ, tôi sẽ hỏi xin lại cuốn Chuyển Pháp Luân. Tôi đã nổi giận và nghĩ rằng không điều gì có thể giúp ông ấy. Tuy nhiên, ngoài chấp trước của tôi với ông, tôi cũng lo lắng cho cha mình.

Lúc này, tôi nhớ đến lời dạy của Sư phụ:

“Tu luyện chính là hướng nội mà tìm, dù đúng hay sai cũng đều tìm trong bản thân mình; tu chính là tu bỏ cái tâm con người.” (Giảng Pháp tại Pháp hội thành phố Los Angeles [2006])

Tôi tự nhủ: “Tại sao mình không hướng nội? Tại sao lúc nào mình cũng khó chịu? Có tâm gì ở đây mà mình cần buông bỏ? Tại sao mình lại là người duy nhất trong số các anh chị em không thể chịu đựng được cha?” Tôi tìm ra nhiều chấp trước như: Tôi hay bực bội, phán xét, tranh đấu, tự phụ, tâm bảo vệ bản thân, kiêu ngạo, và chấp trước vào tình thân quyến. Tôi cũng là một sản phẩm của văn hoá đảng [với các biểu hiện như]: chỉ trích người khác, tự cao tự đại, cố chấp, ích kỷ và tính cách của tôi khá độc đoán. Tôi không dịu dàng như một người phụ nữ thực thụ. Tôi biết rằng những thiếu sót tôi thấy ở cha mình đã phản chiếu những nét tính cách của riêng tôi. Tôi quyết định không hỏi xin lại cuốn sách Chuyển Pháp Luân nữa.

Hôm qua, tôi đã gọi cho cha mình và tình cờ hỏi ông xem liệu ông còn giữ và đọc Chuyển Pháp Luân không. Ông trả lời: “Có, cha đã đọc cuốn sách hai lần rồi!” Tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi đã hiểu lầm cha mình. Ông không chỉ đọc sách mà còn giữ gìn cẩn thận. Tôi hiểu rằng cuộc đời của mỗi người đều được Sư phụ an bài. Chúng ta không nên lo lắng quá nhiều, miễn là chúng ta làm [tốt] những gì mình cần làm.

Sư phụ giảng:

“Chấp trước vào tình thân quyến, ắt sẽ vì thế mà luỵ, mà dày vò, mà ma, tơ vương tình cảm mà nhiễu cả một đời, tuổi đời qua đi, thì hối hận đã muộn rồi.” (Người tu cần tránh, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Là học viên, chúng ta cần tập trung vào việc tu chính mình, làm tốt ba việc và không để các chấp trước chi phối. Nếu không, các quan niệm và chấp trước của chúng ta có thể khiến chúng ta có những hiểu lầm. Chúng ta phải phá trừ các can nhiễu của cựu thế lực và loại bỏ các chấp trước và quan niệm của bản thân để cựu thế lực không thể dùi vào sơ hở của chúng ta. Chúng ta nên nhớ rằng trách nhiệm của mình là cứu những người xung quanh và chúng ta phải đối xử với họ bằng thiện tâm.

Trên đây là chút thể ngộ của tôi trong quá trình tu luyện, nếu có điểm nào không đúng, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ.


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2019/3/2/-383360.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/3/17/176176.html

Đăng ngày 15-04-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share