Bài viết của một học viên tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[Minh Huệ 14-2-2019] Tháng 7 năm 1999, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã phát động một chiến dịch trên toàn quốc chống lại Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Kể từ đó, nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ và phải chịu nhiều hình thức tra tấn và ngược đãi khác nhau.

Trong đó có một hình thức liên quan đến việc quy kết cho các học viên khỏe mạnh bị bệnh tâm thần, và “ điều trị” bằng cách cưỡng ép họ uống và tiêm vào thân thể họ những loại thuốc và hóa chất không rõ tên. Điều này thường dẫn đến tổn hại về thể xác và tinh thần trong thời gian dài. Các học viên Pháp Luân Công đã báo cáo nhiều hậu quả, như mất trí nhớ, đần độn, tê liệt và đau đớn khắp cơ thể cùng các triệu chứng khác.

Các trường hợp nghiêm trọng hơn đã bị rối loạn tâm thần và tinh thần bất ổn, thường dẫn đến tử vong.

Cô Liễu Chí Mai là một trong số các nạn nhân như vậy.

Tiêm thuốc không rõ nguồn gốc dẫn đến suy sụp tinh thần và tử vong

Vào sáng ngày 13 tháng 2 năm 2015, một phát hiện khủng khiếp xảy ra tại một ngôi làng ở thành phố Lai Dương, tỉnh Sơn Đông. Trong lúc đi dạo buổi sáng, một số dân làng đã nhìn thấy thi thể một người phụ nữ ngoài 30 tuổi nổi trong một cái giếng. Sau đó, người phụ nữ được xác định là cô Liễu Chí Mai.

Là một sinh viên thông minh với nhiều hoài bão, ở tuổi 21, khát vọng của cô Liễu đã bị dập tắt khi cô bị đuổi khỏi Đại học Thanh Hoa (đại học danh giá nhất của Trung Quốc) vì cô không chịu từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần đây đã phát động một chiến dịch đàn áp tàn bạo đối với môn tu luyện này. Cô Liễu Chí Mai bị bắt và cầm tù sáu năm, ở đó cô liên tục bị ép sử dụng thuốc.

Ngay trước khi được thả ra vào năm 2008, Chí Mai đã bị tiêm một lượng lớn thuốc không rõ tên. Sau đó, gia đình cô nghi ngờ đây là nguyên nhân của những cơn loạn tâm thần kéo dài mà cô phải chịu đựng.

Cô thường huyên thuyên những lời vô nghĩa, và vẫy tay trong không trung như thể đang chạy. Khi được hỏi tuổi, cô chỉ im lặng hoặc trả lời “21”. Đối với Liễu Chí Mai, thời gian dường như đã dừng lại ở tuổi 21.

Ban đêm, cô đi tiểu ra giường và phải ngủ trên nệm ướt sũng nước tiểu.

451282778aaa418a6d988587b0d4558e.jpg

Cô Liễu trước khi bị bắt

adb95f77588bae7e9ba801f7781b1884.jpg

Sau khi bị suy sụp tinh thần do cuộc bức hại trải qua trong tù, cô Liễu Chí Mai sẽ siết chặt nắm đấm và chạy vào một góc phòng khi có ai đó đến gần. Ảnh chụp năm 2010.

Sau khi ra tù được bảy năm, cô Liễu Chí Mai qua đời. Người phụ nữ trẻ này là một trong nhiều học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Sơn Đông bị ngược đãi tinh thần trong khi cầm tù chỉ vì đức tin của họ.

Thêm những cái chết do ngược đãi tinh thần

Ba học viên Pháp Luân Công khác ở tỉnh Sơn Đông đã chết vì bị ngược đãi tinh thần.

Anh Tô Cương

Anh Tô Cương, một cư dân ở thành phố Truy Bác, là kỹ sư phần mềm của Công ty Hóa dầu Tề Lỗ. Vào ngày 23 tháng 5 năm 2000, người đàn ông 32 tuổi này bị bắt và đưa đến Bệnh viện Tâm thần Duy Phường.

Hàng ngày, anh Tô bị tiêm các loại thuốc và hóa chất không rõ nguồn gốc gây tổn thương thần kinh nghiêm trọng. Khi gia đình anh biết về việc anh bị giam giữ và ngược đãi, chú anh là Tô Liên Hy đã tuyệt thực để phản đối. Các quan chức bệnh viện đã thả người đàn ông trẻ tuổi này cho bố của anh.

Tuy nhiên, chín ngày tiêm thuốc đã gây hậu quả nghiêm trọng. Tô Cương trông thất thần và vô cảm với đôi mắt đờ đẫn. Anh rất yếu, khuôn mặt anh tái nhợt và cơ thể trở nên cứng đờ.

Anh Tô qua đời vào sáng ngày 10 tháng 6.

eda0269567c9c521ea70e990b5da3822.jpg

Cô Từ Quế Cần qua đời sau khi được thả chín ngày

Cô Từ Quế Cần

Khi cô Từ Quế Cần, 38 tuổi, được ra tù vì tu luyện Pháp Luân Công, một bác sỹ đã nói với gia đình cô hãy theo dõi cô thật kỹ, và đừng để cô đi lại tự do. Cuộc sống của cô rất nguy hiểm.

Ngay trước khi được thả, cô đã bị tiêm bốn lọ thuốc gây tổn thương thần kinh. Việc này khiến khuôn mặt cô phù lên, và cô bị cứng lưỡi. Vì không thể ăn, cô trở nên chán ăn. Cơ thể cô tê liệt, và cô bị mất trí nhớ nghiêm trọng.

Ở nhà, trạng thái thể chất và tinh thần của cô Từ Quế Cần càng ngày càng xấu đi. Cô qua đời vào chín ngày sau, ngày 10 tháng 12 năm 2002.

90fcb057a4de6315c4081ca43e10e412.jpg

Cô Trương Đức Trân chết ở tuổi 38 sau khi bị ngược đãi tinh thần

Cô Trương Đức Trân

Cô Trương Đức Trân, 38 tuổi, bị giam giữ tại Trại tạm giam Mạnh Âm. Trong thời gian ở trại giam, cô đã bị nhân viên Vương Xuân Hiểu và một bác sỹ của Bệnh viện Mạnh Âm tiêm những loại thuốc không rõ tên. Tình trạng của cô trở nên nguy kịch, và cuộc sống của cô bị đe dọa.

Ngày 31 tháng 1 năm 2003, khi các bác sỹ lại tiêm thuốc không rõ nguồn gốc cho cô, cô Trương đã tử vong.

Tên của những người ra lệnh tiêm thuốc đã được ghi lại. Các cá nhân liên quan đến cái chết của cô là Loại Duyên Thành ở Phòng 610 Mạnh Âm, giám đốc trại giam Tôn Khắc Hải, và giám đốc bệnh viện Quách Hưng Bảo.

Các học viên bị giam giữ ở Bệnh viện Tâm thần Thành phố Tế Ninh

Cô Lô Đông Mai

Cô Lô Đông Mai là một nhân viên tại Công ty Phát triển Bất động sản Lỗ Hưng. Ngày 11 tháng 9 năm 1999, cảnh sát đã đưa cô gái 30 tuổi này đến Bệnh viện Tâm thần Tế Ninh. Dưới sức ép của cảnh sát, các quan chức bệnh viện bắt đầu cưỡng chế cô Lô sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc – đầu tiên là một liều thuốc nửa viên, sau đó là cả viên thuốc.

Bác sĩ trưởng Hàn Bằng chỉ đạo năm nhân viên ghì cô xuống sàn và tiêm cho cô nhiều loại thuốc hơn. Cô đã bị tiêm lại hai tuần sau đó.

Sau khi bị tiêm, tình trạng của cô Lô nhanh chóng xấu đi. Khi nằm trên giường ở bệnh viện, chân cô bị co giật và tự duỗi thẳng và gập về phía sau. Cô mắc chứng khó ngủ và lo lắng về tình trạng của mình. Tâm trí cô không thể tập trung, và cô mô tả nó thật trống rỗng và thời gian chậm lại; mỗi phút cảm giác như cả một ngày. Cô đau và nhức ở tim.

Cơ thể cô bắt đầu có vấn đề và thay đổi, hai tay và đầu cô nghiêng sang một bên. Cô cũng bắt đầu bị mộng du.

Cô Kiều Hưng Hà

Cô Kiều Hưng Hà, 40 tuổi, đã bị đưa đến Bệnh viện Tâm thần Tế Ninh vào ngày 27 tháng 12 năm 1999. Tại Khu 5 của bệnh viện, cô không được khám xét để xác định xem liệu cô Kiều có bị rối loạn tâm thần hay không, và có cần dùng thuốc hay không. Cô chỉ bị buộc là bị bệnh tâm thần vì tu luyện theo đức tin của mình.

Vào ngày thứ ba bị giam giữ, các nhân viên đã trói cô vào giường và đổ thuốc xuống cổ họng cô. Điều này diễn ra liên tục trong suốt thời gian cô bị giam giữ. Y tá trưởng, họ Vương, và các nhân viên khác trong bệnh viện đã buộc cô uống thuốc bằng cách đánh cô cho đến khi cô tuân thủ.

Các loại thuốc này khiến cô bị khô miệng và cứng lưỡi. Cô không thể đi lại hoặc đứng mà không có sự giúp đỡ. Toàn bộ cơ thể cô đau đớn, tay và chân cô cử động một cách vô thức. Cô bị đau đầu, hôn mê và rất yếu. Cô còn bị mất trí.

Cô đã bị giam giữ trong 22 ngày và buộc phải trả 2.000 Nhân dân tệ cho việc điều trị. Cảnh sát yêu cầu gia đình cô ký giấy được thả để che đậy những gì thực sự xảy ra ở bệnh viện.

Cô Vương Linh

Cô Vương Linh sống tại thị trấn Mạnh Âm ở thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông. Vào mùa hè năm 2002, lúc cô ngoài 30 tuổi, bố mẹ và chồng cô đã đưa cô đến một trung tâm tẩy não do Phòng 610 Quận Mạnh Âm điều hành chỉ vì cô tu luyện Pháp Luân Công. Cô đã bị giam giữ tại đây trong một tháng.

Sau khi được thả ra, cô Vương phải đối mặt với sự bức hại tàn bạo hơn. Để buộc cô từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công, gia đình cô đã đưa cô đến Bệnh viện Tâm thần Tế Ninh. Ở đó, cô bị ép uống Clozapine, một loại thuốc chống loạn thần kinh nặng thường được sử dụng để điều trị chứng tâm thần phân liệt, và bị tiêm các loại thuốc không rõ nguồn gốc.

Khi được thả ra khỏi bệnh viện tâm thần, tinh thần của cô Vương đã suy sụp hoàn toàn.

Cô Lưu Thiên Viên

Theo một báo cáo của Minh Huệ từ tháng 6 năm 2005, cô Lưu Thiên Viên đã bị đưa đến Bệnh viện Tâm thần Tế Ninh vào năm 2000. Trong khi bị giam giữ tại đây, các bác sỹ và y tá đã tiêm thuốc cho cô, làm tổn thương trí nhớ và hệ thần kinh của cô.

Khi cuộc sống của cô gặp nguy hiểm đến tính mạng, cô Lưu đã được thả.

Một học viên 22 tuổi, không biết tên

Theo một bài báo được công bố trên trang Minh Huệ vào tháng 1 năm 2000, một học viên trẻ đã gửi bài viết sau:

“Ngày 25 tháng 10 năm 1999, tôi đã đến Bắc Kinh để kêu gọi chính phủ chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Ba ngày sau, tôi bị cảnh sát địa phương đưa trở lại tỉnh Sơn Đông. Một tuần sau, các cảnh sát đưa tôi đến Bệnh viện Tâm thần Tế Ninh.”

“Khi đến bệnh viện, bốn bác sỹ nam buộc tôi mặc đồng phục của bệnh nhân. Trong khi thay quần áo, một nữ y tá đột nhiên tiêm vào lưng tôi. Tôi lập tức đứng dậy và phản đối, nhưng bốn bác sỹ đã túm lấy tôi và trói tôi xuống giường, sau đó ép tôi tiêm một liều thuốc lớn.”

Bài viết tiếp tục: “Các loại thuốc bắt đầu có hiệu lực. Tôi cố gắng kiểm soát bản thân, nhưng tôi không thể tự mình đứng vững. Miệng và lưỡi của tôi cũng rất khô.”

“Sau đó, một bác sỹ đã tiêm một loại thuốc khác, và điều này khiến tôi hoàn toàn bất tỉnh. Khi tôi thức dậy, đầu óc tôi trống rỗng, và tôi cảm thấy chóng mặt, đau đầu dữ dội. Cổ tôi cứng đờ. Tôi đau đớn, tay chân tê và yếu, và tôi gặp khó khăn trong việc ghi nhớ mọi thứ.”

“Lưỡi tôi cứng ngắc. Tôi không thể kiểm soát nó, và nó bị thè ra khỏi miệng. Tôi không thể ăn được, vì vậy y tá đã bức thực tôi qua đường mũi gây chảy máu.”

“Tôi bị tiêm tổng cộng là chín liều.”

“Ba ngày sau khi nhập bệnh viện, tôi bị ép uống thuốc chống loạn thần kinh mạnh Perphenazine. Ban đầu, liều lượng là một viên mỗi lần. Bởi vì tôi tiếp tục tập các bài công pháp Pháp Luân Công, liều lượng đã tăng lên bốn hoặc năm viên thuốc. Tác dụng phụ của thuốc này tương tự như của thuốc tiêm cưỡng bức.”

“Sự hành hạ tinh thần và tâm lý này kéo dài suốt 36 ngày.”

Các trường hợp ở các khu vực khác của tỉnh Sơn Đông

Bên cạnh Tế Ninh, có nhiều báo cáo về tình trạng ngược đãi tinh thần xảy ra ở tỉnh Sơn Đông. Các học viên bị hành hạ có độ tuổi từ 22 đến 50 tuổi, phần lớn là từ 37 đến 44 tuổi.

Các bệnh viện tâm thần ở Thái An, Lâm Nghi, Duy Phường và Giao Châu đã thực hiện hành vi ngược đãi này, bao gồm các cơ sở trong Trại Lao động Cưỡng bức Vương Thôn và Nhà tù Nữ Sơn Đông.

Ông Vu Phượng Lai

Một cảnh sát vũ trang đã ép ông Vu Phượng Lai uống một loại thuốc uống không rõ tên trong khi bị giam giữ tại Trại Lao động Cưỡng bức Vương Thôn.

Ông Vu cho biết: “Các nhân viên của Trại Lao động Cưỡng bức Vương Thôn ở tỉnh Sơn Đông buộc tôi phải uống một viên thuốc. Sau đó, họ không cho tôi ngủ và cố gắng tẩy não tôi bằng cách tuyên truyền thù hận. Thuốc này bắt đầu có hiệu lực khiến tôi đau đớn khắp cơ thể do mệt mỏi cực độ.”

“Cuối cùng, tôi rơi vào trạng thái thực vật, hoàn toàn mất kiểm soát cơ thể của mình.”

Ông Tiêu Tĩnh Sâm

Ông Tiêu Tĩnh Sâm ở thành phố Duy Phường. Trước tháng 10 năm 2000, ông đi bộ đến Bắc Kinh hai lần để khiếu nại về quyền được tu luyện Pháp Luân Công. Ông bị cảnh sát địa phương bắt và đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Xương Nhạc.

Trong hơn 2 tháng, ngày nào ông cũng bị ép uống thuốc không rõ nguồn gốc. Thỉnh thoảng, ông còn bị tiêm thuốc không rõ tên.

Việc hành hạ này đã hủy hoại thể xác và tinh thần của ông Tiêu. Từ một người khỏe mạnh với đôi mắt sáng, ông đã trở nên ốm yếu, khuôn mặt không có cảm xúc trên và trở nên vô hồn.

Ông Khương Quốc Ba

Ông Khương Quốc Ba bị giam tại Trại Lao động Cưỡng bức Xương Nhạc vì tu luyện Pháp Luân Công. Một bác sỹ (cũng họ Khương) bắt đầu tiêm vào tĩnh mạch ông từ tháng 12 năm 2000.

Hai ngày sau, ông đã trải qua các triệu chứng sưng mắt, đau thận, đầu óc hỗn loạn, mất ngủ và mệt mỏi.

Ông Khương phản đối cách điều trị này một cách mạnh mẽ. May mắn thay, vài ngày sau đó, các nhân viên đã ngừng truyền dịch và cho ông bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế.

Bà Đàm Quế Hoa

Ngày 12 tháng 9 năm 1999, các nhà chức trách đã bắt bà Đàm Quế Hoa, 42 tuổi và đưa bà đến Bệnh viện Tâm thần Giao Châu.

Khi bà vừa đến, nhân viên bệnh viện đã cố gắng tiêm thuốc cho bà, nhưng bà đã phản đối. Một y tá tập hợp tám bệnh nhân tâm thần đẩy bà xuống đất và giữ bà ở đó khi tiêm thuốc. Trong vài giây, bà Đàm cảm thấy vô cùng yếu đuối và khó chịu.

Nhịp tim của bà tăng nhanh đến nỗi bà phải cố gắng giữ mình đứng thẳng. Một cơn đau dữ dội ập đến khiến bà phải cắn vào chăn để tránh gây ra tiếng động. Sau đó bà bất tỉnh.

Khi bà tỉnh lại, bà vẫn bị các triệu chứng trên trong khi tác dụng của thuốc dần dần biến mất.

Một bác sỹ đến gần bà Đàm và hỏi bà có tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công không. Khi bà trả lời có, bác sỹ đã sốc điện bà bằng dùi cui điện. Ông ta lặp lại quá trình này bảy lần.

Bà bị ép uống thêm nhiều thuốc và bị tiêm ba lần mỗi ngày.

Vì bà Đàm Quế Hoa giữ vững đức tin của mình, cách ngược đãi đã thay đổi. Một bác sỹ đã yêu cầu một y tá (họ Mã) tiêm cho bà một loại thuốc khác. Tác dụng của thuốc khá mạnh và kéo dài trong hơn một tháng. Nó ức chế chuyển động mắt của bà, và phản ứng của bà chậm lại trầm trọng. Chu kỳ kinh nguyệt của bà ngừng lại.

Vài ngày sau, một loại thuốc khác đã được thêm vào hỗn hợp, khiến bà Đàm run rẩy đến mức không thể cầm nổi bát đồ ăn của mình. Điều này kéo dài trong 20 ngày.

Sau ba tháng, bà Đàm Quế Hoa được xuất viện. Khi gia đình bà đến đón bà, bà bị mù và đầu óc trống rỗng. Toàn bộ cơ thể bà phù lên, và bà trông thẫn thờ. Phản ứng của bà rất chậm chạp, và phải mất một lúc lâu bà mới có thể nói được một từ.

Các tác động của việc ngược đãi kéo dài, bao gồm mất trí.

Bà Châu Thái Hà

Bà Châu Thái Hà, 50 tuổi, bị giam giữ hình sự tại Bắc Kinh vào ngày 13 tháng 5 năm 2000 trước khi bị chuyển đến Bệnh viện Tâm thần Giao Châu. Ở đó, bà bị bức thực và tiêm những thuốc không rõ nguồn gốc. Những người trong cuộc báo rằng các nhân viên bệnh viện đã sử dụng bà như một con chuột thí nghiệm để thử nghiệm các loại thuốc nhập khẩu, viện cớ rằng bà bị bệnh tâm thần.

Nhà tù Nữ Sơn Đông

Việc dùng thuốc cho các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ tại Nhà tù Nữ Sơn Đông được thực hiện hàng ngày. Một người làm việc trong nhà tù này sau đó đã tiết lộ rằng các nhân viên nhà tù cho rằng các học viên có tiền sử gia đình bị bệnh tâm thần. Điều này cho phép họ thực hiện các chương trình điều trị bằng thuốc trong thời gian lâu trên các học viên, những người không chịu từ bỏ đức tin của họ, mà không phải chịu hậu quả gì.

Những học viên Pháp Luân Công này đã bị rơi vào tình trạng vô vọng của “Bẫy 22”: khi các loại thuốc này có hiệu lực, chúng gây ra ảo giác, mất trí nhớ, kích động, suy nghĩ mông lung – tất cả các triệu chứng của rối loạn tâm thần và bệnh tâm thần. Các nhân viên sau đó đã sử dụng điều này như một cái cớ để sử dụng thêm nhiều loại thuốc điều trị khiến cho tình trạng của họ ngày càng xấu đi.

Các bài viết liên quan:

Câu chuyện của anh Dương Bảo Xuân: ĐCSTQ đã sử dụng bệnh viện tâm thần để bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc như thế nào

Báo cáo tổng hợp: Các học viên Pháp Luân Công khỏe mạnh bị tra tấn đến chết trong các bệnh viện tâm thần

Lạm dụng có hệ thống thuốc tâm thần xảy ra thường xuyên trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ

Báo cáo về việc tra tấn tâm thần các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ

Phát điên trong khi bị giam giữ, một phụ nữ trẻ mới đây được phát hiện đã chết trong một cái giếng

Học viên Pháp Luân Công khi bị giam cầm bị tiêm thuốc phá hoại thần kinh


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/2/14/382743.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/3/30/176326.html

Đăng ngày 05-04-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share