Bài viết của một phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 29-3-2019] Ngày 26 tháng 3 năm 2019, tại Tòa nhà Quốc hội Anh đã diễn ra một cuộc thảo luận mang chủ đề “Cưỡng bức khai thác nội tạng sống ở Trung Quốc”. Một số nghị sỹ Nghị viện thuộc nhiều đảng phái đã bày tỏ sự phẫn nộ và lo ngại về tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc do chính quyền nước này hậu thuẫn. Ngày 27 tháng 3, Đài Phát thanh BBC 4 đã đưa tin về cuộc thảo luận này trong chương trình “Nghị viện ngày hôm qua”.

8e2cdce4f51cd89caf095f0ac5041662.jpg

Cuộc thảo luận về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng tổ chức tại Phòng họp lớn Westminster

d680d1ec08c67999b4bba579b7bcead1.jpg

Ông Jim Shannon, nghị sỹ Quốc hội, là người chủ trì cuộc thảo luận và là chủ tịch của nhóm nghị sỹ của các đảng về tự do tôn giáo và tín ngưỡng

12 nghị sỹ Quốc hội thuộc nhiều đảng chính trị đã tham dự cuộc thảo luận dưới sự chủ trì của nghị sỹ Jim Shannon, chủ tịch của nhóm nghị sỹ của các đảng về tự do tôn giáo và tín ngưỡng.

Các nhà lập pháp kêu gọi chính phủ Anh buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về tội ác đang bị cáo buộc mà một số người có thể thấy không sao tin nổi: tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm.

Đáp lại một số bài phát biểu của các nghị sỹ, ông Mark Field, Bộ trưởng phụ trách Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Anh (FCO), cho biết ông sẽ đưa vấn đề cưỡng bức thu hoạch nội tạng ra phạm vi quốc tế.

“Hôm nay, các thành viên của nhóm đã nêu ra lo ngại rằng nội tạng không chỉ được lấy từ các tù nhân tử hình mà từ cả tù nhân lương tâm, chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công, cũng như các nhóm tôn giáo khác và các dân tộc thiểu số.”

“Mối quan ngại ở đây là có những trường hợp nội tạng bị lấy đi trong tình trạng không có thuốc gây mê, trong khi nạn nhân vẫn còn sống”, ông nói.

Nghị sỹ Jim Shannon đã lên án mạnh mẽ cuộc bức hại Pháp Luân Công và các tôn giáo khác, cũng như các nhóm thiểu số ở Trung Quốc.

Ông Shannon phát biểu: “Thành thật mà nói, tôi có thể cảm nhận được rằng, có lẽ ông ấy [Mark Field] có thể mạnh mẽ hơn nữa.” Ông nói thêm rằng: “Tôi không cho rằng điều đó sẽ làm yếu đi cam kết của ông ấy về những gì chúng tôi đang cố gắng thay đổi.”

“Chúng ta phải khiến Trung Quốc thấy rằng đó là hành vi phi đạo đức, rằng đó là giết người theo yêu cầu”, ông nói.

Nghị sỹ Fiona Bruce của Đảng Bảo thủ gọi cưỡng bức thu hoạch nội tạng là “hành động cực kỳ ác độc”, là “tội ác chống lại loài người”, “một hình thức diệt chủng khoác chiếc áo phẫu thuật hiện đại”, và là “tội ác nhất trong những tội ác”.

Bà nói: “Trong trường hợp giết người bằng cách cưỡng chế cắt bỏ nội tạng của tù nhân lương tâm ở Trung Quốc, không có nạn nhân nào có thể kể lại sự việc đó được. Đó là bởi vì đâu còn ai sống sót. Đúng là loại tội ác toàn diện. Nên chăng để điều đó ngăn chúng ta lên tiếng? Không thể nào.”

Nghị sỹ Patricia Gibson từ Bắc Ayrshire và Arran nói: “Hành vi man rợ, vô nhân đạo này phải chấm dứt… Cộng đồng quốc tế, gồm cả Vương quốc Anh… nhất định phải cho Trung Quốc thấy hành vi này khó chấp nhận đến thế nào đối với bất kỳ quốc gia nào có chút ý thức về chuẩn tắc hay coi trọng sinh mạng con người. Ở đây không thể lập lờ, không thể viện cớ gì, cũng không thể nhắm mắt làm ngơ… Chính phủ Anh và Liên Hợp Quốc phải hành động nhiều hơn trước tội ác ghê rợn xảy ra quy mô công nghiệp lớn này và những thứ chỉ có thể gọi là ‘tội ác chống lại loài người’.”

Nghị sỹ Andrew Griffiths từ Burton đã so sánh nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng với cuộc diệt chủng của Đức quốc xã.

“Người ta bị bức hại vì đức tin của mình, và chúng ta biết kết cục của nó là gì, bởi vì hàng triệu người đã chết trong cuộc diệt chủng ấy. Nếu nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy đã có cơ hội để các chính phủ can thiệp và hành động, nhưng họ đã không làm. Phải chăng giờ đây, trong hoàn cảnh này, chúng ta, đứng ở góc độ là thế giới phương Tây, cần phải lên tiếng: “Điều này phải chấm dứt?”

Nghị sỹ Carol Monaghan từ khu vực Tây Bắc Glasgow hỏi: “Vì báo cáo đầu tiên được công bố từ năm 2006, vậy các bạn đáng kính của tôi có đồng ý rằng Vương quốc Anh đã chậm mất 13 năm để kêu gọi một cuộc điều tra liên chính phủ về hoạt động này của Trung Quốc không?”

Nghị sỹ Afzal Khan từ Manchester lên án mạnh mẽ tội ác này, ông nói: “Sự im lặng của thế giới về tội ác man rợ này phải chấm dứt.”

Nghị sỹ Afzal Khan, nghị sỹ Jim Cickyham từ Nam Coventry và nghị sỹ Bambos Charalambous từ Enfield đặc biệt chú ý đến cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Họ chỉ ra rằng, mục tiêu chính của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng là các học viên Pháp Luân Công và đã đến lúc chấm dứt cuộc bức hại này.

Nghị sỹ Gibson cho biết: “Như nghị sỹ danh dự của Strangford đã nói rõ, việc các học viên Pháp Luân Công trở thành mục tiêu bức hại dưới hình thức này ở Trung Quốc là trọng tâm của vấn đề, bởi vì tấn công tự do tôn giáo tức là tấn công mọi loại quyền tự do. Ai cũng có quyền tôn thờ Thần của họ trong hòa bình, bất luận họ nhận thức Thần của họ như thế nào thì đó vẫn là quyền cơ bản. Khi quyền đó bị đe dọa thì chính nền tảng của tự do cũng bị đe dọa, đó là xét theo nghĩa rộng nhất.”

Ông Shannon cũng kêu gọi sự chú ý đến kết luận của Tòa án Nhân dân về vấn đề này. Đây là tòa án được thành lập để điều tra nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc. Tòa án đã đưa ra phán quyết tạm thời vào tháng 12 năm ngoái, trong đó, thẩm phán chủ tọa, Ngài Geoffrey Nice, nói rằng nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm đã xảy ra ở Trung Quốc “trên quy mô lớn”.

Ông cũng chỉ ra rằng: “Mọi bằng chứng đã được nhiều tổ chức trên thế giới xem xét, bao gồm các cơ quan quốc hội, hoặc bản thân quốc hội ở Ý, Tây Ban Nha, Canada, Israel, Đài Loan, Ireland, Cộng hòa Séc và Hoa Kỳ, cũng như các cơ quan không trực thuộc quốc hội như Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo thủ Vương quốc Anh.”

Bà Bruce còn đề cập đến những công việc do Tòa án Nhân dân và các nhà điều tra khác thực hiện.

“Tòa án [Nhân dân Độc lập] đã hoàn thành công việc của mình, đã tiến hành nhiều ngày điều trần, đã nghe bằng chứng từ khoảng 30 nhân chứng, và đã nhiều lần nhấn mạnh rằng bằng chứng cung cấp trong báo cáo năm 2016 mà tôi tin là dài 700 trang, có tên “Bloody Harvest/The Slaughter: An Update” (Thu hoạch đẫm máu/ Thảm sát: Bản cập nhật) của các ông David Kilgour, David Matas và Ethan Gutmann phải được xem xét ở cấp chính phủ. Trong lời khai gần đây trước tòa án, ông David Matas đã nhấn mạnh rằng mặc dù có khó khăn trong việc xác lập dữ liệu chính xác, nhưng vẫn đủ bằng chứng để phải quan ngại về vấn đề này, và cần phải điều tra ở cấp cao nhất là chính phủ các nước và Liên Hợp Quốc”, bà nói.

Tại thời điểm công bố báo cáo này, 40 nghị sỹ quốc hội đã ký một kiến nghị (Kiến nghị Sớm số 2138) nhằm kêu gọi chính phủ Anh lên án hành vi bị cáo buộc là cưỡng bức thu hoạch nội tạng này. Kiến nghị đồng thời kêu gọi ban hành luật cấm công dân Anh tham gia du lịch ghép tạng.

Nghị sỹ Gibson tin rằng việc thông qua luật này “sẽ đưa đạo đức của chúng ta về đúng vị trí và đặt ra chuẩn mực, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng… Về mặt đạo đức, điều trọng yếu là chúng ta cần phải ban hành các biện pháp như vậy, và đó không phải là điều vượt quá khả năng của bất cứ chính phủ Anh nào.”

Nghị sỹ Bruce cho biết: “Du lịch ghép tạng, đúng như tên gọi của nó, đã bị một số quốc gia cấm, bao gồm Ý, Tây Ban Nha, Israel và Đài Loan và Thượng viện Canada đã phê chuẩn luật tương tự. Chúng ta cũng phải làm vậy. Nó sẽ là một thông điệp mạnh mẽ thể hiện mối quan ngại của chính phủ Vương quốc Anh.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/3/29/384516.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/4/3/176373.html

Đăng ngày 05-04-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share