Bài chia sẻ của một học viên Pháp Luân Công tại Bắc Kinh, Trung Quốc

[MINH HUỆ – ] Tôi được sinh ra và nuôi dưỡng trong một gia đình có truyền thống hội họa, dưới sự ảnh hưởng của gia đình và giáo dục của cha mẹ, tôi lớn lên và rất có đam mê với vẽ tranh. Tôi theo học tại trường nghệ thuật hàng đầu của Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp, công việc của tôi tập trung vào hội họa, thiết kế nghệ thuật và giảng dạy.

Từ nhỏ, tôi là người cầu toàn và luôn truy cầu sự hoàn mỹ. Sau khi lập gia đình, những điều không như ý trong cuộc sống thực tế khiến tôi bị sốc và cảm thấy bất mãn. Cuộc đời của tôi đã bước sang trang mới khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 3 năm 1999. Tôi đã lấy lại được sức khỏe và có một cái nhìn lạc quan về cuộc sống.

Cầm cọ vẽ trở lại sau khi ra khỏi trại lao động

Vài tháng sau khi tôi bắt đầu tu luyện, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Tôi liên tục bị cảnh sát địa phương và ông chủ của tôi can nhiễu, gây áp lực. Cuối cùng, tôi bị bắt, bị đưa đến một trung tâm tẩy não và trại giam, và bị kết án chỉ vì đức tin của mình. Những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời tôi đã bị chà đạp và tàn phá. Kết quả là, trong nhiều năm, tôi không có điều kiện hay cơ hội nào để chạm vào cọ vẽ và suy nghĩ về hội họa.

Cha tôi động viên tôi cầm cọ vẽ và hướng dẫn tôi quay trở lại với con đường hội họa của mình. Sau đó, tôi được nhận làm giáo viên dạy thay ở một trường học. Tôi cũng đã liên lạc với các học viên khác và học Pháp với họ. Không còn lo lắng, tâm tôi trầm tĩnh trở lại, những bức tranh đã có thể đi vào lòng người và sáu tháng sau, nhiều người bắt đầu mua tranh của tôi.

Một lần trên đường trở về nhà, khi đang đi trên xe buýt, tôi đã nói chuyện với người lái xe và hành khách về Pháp Luân Công. Phản ứng của họ rất tích cực. Tôi đưa cho họ hơn chục chiếc USB chứa thông tin về Pháp Luân Công và cuộc bức hại. Một hành khách chế giễu tôi là đồ ngốc vì không lấy tiền USB. Tôi thì không thấy như thế. Tôi cảm thấy việc phát tài liệu miễn phí để mọi người biết được sự thật về cuộc đàn áp Pháp Luân Công có giá trị không thể đo đếm được.

Vài ngày sau, một thương nhân đã mua một bức tranh của tôi với giá 10.000 Nhân dân tệ. Tôi biết Sư phụ Lý (người sáng lập Pháp Luân Công) đang khích lệ tôi và tôi không nên nghĩ về sự mất mát lợi ích cá nhân.

Trong những năm gần đây, thị trường nghệ thuật rất trầm lắng. Bản thân tôi không nổi tiếng và cũng không biết cách quảng cáo cho tác phẩm của mình, tuy nhiên, tôi luôn đặt Pháp ở trong tâm và làm những gì một học viên cần phải làm. Kết quả là, tôi vẫn có một lượng khách hàng ổn định mua các tác phẩm của tôi.

Con tôi học xong cấp ba và hiện đang là sinh viên đại học. Chúng tôi sống một cuộc sống thoải mái. Tôi muốn mọi người chứng kiến ​​sự tốt lành của Đại Pháp thông qua cuộc sống của chúng tôi và để thấy rằng các học viên không phải chỉ chịu đựng sự bức hại tàn bạo này mà họ còn có thể có cuộc sống hạnh phúc, có ích cho xã hội.

Tìm ra và loại bỏ các chấp trước

Tôi đã được mời thực hiện việc vẽ tranh trên tường của một trường mẫu giáo. Tôi có đôi chút do dự vì trước đây tôi chưa từng thực hiện một dự án nào có quy mô lớn như vậy. Cô Vương, cũng là một đồng tu, động viên tôi hãy thử xem sao và nói: “Tác phẩm nghệ thuật của người tu luyện tạo ra năng lượng tích cực. Tác phẩm của chị sẽ mang lại lợi ích cho mọi người và có tác dụng chứng thực Pháp”. Cô ấy cũng khuyên tôi loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, xin Sư phụ Lý gia trì chính niệm và tự tin vào bản thân mình.

Tâm sợ hãi của tôi lại trỗi dậy khi tôi nhìn thấy bức tường tôi được chỉ định vẽ: nó dài 40 mét và cao 5 mét. Tôi không biết phải vẽ gì, bắt đầu như thế nào hoặc mất bao lâu để hoàn thành nó.

Tôi nghĩ: Đối với người tu luyện, không có sự việc nào là ngẫu nhiên; công việc này đã được Sư phụ an bài cho mình.

Sư phụ giảng:

“Là người tu luyện, ‘tìm bên trong’ là một Pháp bảo” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế Washington DC năm 2009)

Sau khi hướng nội, tôi thấy mình có chấp trước vào danh, tâm an dật và mong muốn có cuộc sống gia đình êm ấm. Vì tôi không muốn làm tổn hại đến danh tiếng của mình, không muốn làm một công việc nặng nhọc và cũng không muốn để công việc này lấy hết thời gian chăm sóc gia đình của tôi. Những suy nghĩ đó đều dựa trên lợi ích cá nhân, chứ không phải để cho nhiều người biết về Đại Pháp. Tôi cần phải loại bỏ các tâm chấp trước này.

Sau khi quy chính lại bản thân, tôi bắt đầu lên kế hoạch cho bức tranh tường. Nó sẽ kết hợp giữa thần thoại, truyền thuyết và văn hóa dân gian để dạy cho trẻ em những tiêu chuẩn đạo đức truyền thống. Trước đây, tôi đã có một số kiến thức và kỹ năng về vẽ tranh tường và tôi sẽ tận dụng tối đa khả năng này.

Khi tôi vẽ tranh, bố mẹ tôi sẽ ghé qua và góp ý. Họ khen ngợi tôi và bức tranh. Tôi cảm thấy rất vui khi nghe những lời khen ngợi nhưng ngay lập tức nhớ đến những lời Sư phụ giảng:

“Làm người tu luyện, thì hết thảy những khổ não gặp ở người thường đều là vượt quan; hết thảy tán dương gặp phải đều là khảo nghiệm”. (Người tu tự ở trong ấy – Tinh tấn yếu chỉ).

Tôi đã nhắc nhở bản thân mình không được động tâm bởi sự khen ngợi từ người khác.

Sau 9 tiếng đồng hồ vẽ tranh, cô Vương chở tôi về nhà bằng xe đạp điện. Mỗi tối, chúng tôi đến các khu phố khác nhau để phân phát tài liệu chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp. Đôi khi chân tôi bị đau và nhức mỏi do đứng và làm việc cả ngày, nhưng sau khi phân phát tất cả các tài liệu giảng chân tướng, cơn đau hoàn toàn biến mất. Tôi biết chính là Sư phụ đang chăm sóc cho tôi.

Sau đó, chúng tôi đi đến một nhóm học Pháp. Chúng tôi học Pháp trong 2 giờ và phát chính niệm trong tư thế song bàn. Đó là một bước đột phá đối với tôi vì tôi chưa bao giờ ngồi được song bàn trong thời gian lâu như vậy.

Khi vẽ bức tranh tường, tôi ở nhà cô Vương. Cô ấy đánh thức tôi lúc 3:40 sáng mỗi ngày để luyện công. Ban đầu, tôi thấy rất khó khăn khi dậy sớm. Chúng tôi luyện công và phát chính niệm vào lúc 6 giờ sáng. Cô ấy cũng nhắc nhở tôi học Pháp trong giờ nghỉ trưa. Tôi đã rất cố gắng để không ngủ trưa. Ngay sau đó, tôi đã có thể từ bỏ được quan niệm: không nghỉ ngơi đủ sẽ làm tổn hại sức khỏe.

Tốc độ và chất lượng việc vẽ tranh tường của tôi được cải thiện nhanh chóng, vì vậy tôi đã hoàn thành nó trước hạn. Công việc mang đến cho tôi cơ hội nói chuyện với nhiều người về Pháp Luân Công.

Suy nghĩ và lời nói được phản ánh trong tác phẩm nghệ thuật

Trước khi tu luyện, tôi thường để suy nghĩ của mình lang thang hoặc trò chuyện với người khác trong khi vẽ. Sau khi trở thành một người tu luyện, tôi nhận ra những suy nghĩ và lời nói của mình sẽ được phản ánh trong tác phẩm của tôi.

Sư phụ giảng:

“Như vậy những thứ của cái gọi là nghệ thuật hiện đại ấy thông thường không tốt lắm, vì nó không chỉ có hại cho người vẽ tranh, mà đối với khán giả cũng có phương hại về tâm lý, đối với quan niệm đạo đức của con người cũng gây tác dụng phá hoại nghiêm trọng.” (Giảng Pháp tại Buổi họp Sáng tác và Nghiên cứu Mỹ thuật)

Thể ngộ của tôi khi là một người tu luyện chính là: nếu tác phẩm của tôi không phù hợp với Pháp hoặc tâm trí của tôi không thuần tịnh khi vẽ, tác phẩm nghệ thuật của tôi sẽ gây hại cho người xem.

Hiện nay, trước khi tôi bắt đầu vẽ, tôi sẽ tìm kiếm và loại bỏ tất cả những suy nghĩ tiêu cực. Tôi nghe nhạc Đại Pháp khi làm việc để tâm trí được tập trung. Là một học viên Đại Pháp, tôi sẽ chỉ tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tốt khi tôi tu luyện bản thân tốt. Chỉ khi đó, tác phẩm của tôi mới có thể thanh lọc tư tưởng người xem và đánh thức lòng trắc ẩn của họ.

Mỗi bức tranh đều có sinh mệnh

Tôi đã vẽ một bức tranh khổ lớn về những nữ thần đang chơi nhạc cụ và treo nó trong phòng khách. Một đêm nọ, tôi nhìn thấy những nhân vật trong bức tranh đang mỉm cười và nói với tôi rằng: Chúc mừng cô đã về nhà. Cảm ơn cô đã tạo ra chúng tôi. Chúng tôi sẽ đồng hóa với Đại Pháp và trân quý cơ hội này. Sau đó, bức tranh tĩnh lặng trở lại.

Khi tôi ở trong trại giam, tôi đã vẽ lại bức tranh vẽ Bồ tát của Sư phụ lên tường phòng giam. Một đêm, tôi thấy Bồ tát tỏa sáng lấp lánh ánh vàng kim. Những tù nhân ở cùng phòng với tôi, vốn có tư tưởng xấu, lại rất thích nhìn bức tranh Bồ tát, và nói rằng nhìn vào bức tranh khiến họ cảm thấy thoải mái. Trước khi rời đi, tôi đã vẽ nhiều vị thần trên các bức tường phòng giam.

Ngược lại, chúng ta không nên vẽ các hình ảnh có tín tức xấu. Khi con tôi còn nhỏ, tôi thường vẽ nguệch ngoạc các hình vẽ trong khi kể chuyện cho con nghe. Thằng bé sẽ vui vẻ nếu tôi vẽ những hình ảnh đẹp, tích cực và buồn bã nếu tôi vẽ thứ gì đó xấu xí, tiêu cực.

Lúc đó, tôi không hiểu nguyên nhân vì sao. Là một người tu luyện, chúng ta có năng lượng, vì vậy những gì chúng ta vẽ là có sinh mệnh ở không gian khác; do đó, nó ảnh hưởng đến chúng ta và đôi khi gây hại cho người thường.

Mỗi khi vẽ tranh, nếu tôi không vui, những hình vẽ trong tranh của tôi sẽ rất buồn. Ví dụ, tôi đã vẽ hai bức tranh về Hằng Nga từ một câu chuyện dân gian Trung Quốc. Tôi treo một cái gần lối vào nhà tôi và cái kia trong phòng khách. Một học viên nhận xét: Hai Hằng Nga này trông khác nhau. Người trong phòng khách trông thánh thiện và trong sáng, trong khi người ở gần lối đi có đôi mắt còn vương vấn tình cảm.

Các học viên đã đúng. Khi tôi vẽ Hằng Nga mà tôi treo gần lối vào, trong tâm tôi rất nặng nề vì một học viên mà tôi biết vừa bị bắt. Cảm xúc của tôi đã được phản ánh trong bức tranh. Sau đó, tôi đã nhận ra và trừ bỏ tâm chấp trước vào tình với các học viên khác, và chẳng mấy chốc, Hằng Nga thứ hai trông vui vẻ và thánh thiện.

Tôi cũng nhận thấy rằng biểu cảm của con người trong các bức tranh trước đây của tôi cũng thay đổi tốt hơn khi tôi đề cao trong tu luyện.

Tu luyện là nền tảng để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật chất lượng

Sư phụ giảng:

“Chúng ta có người đang nghĩ, chúng ta có câu rằng “cân nhắc kỹ càng đầy đủ”. Thực ra rất nhiều người khi làm các việc, ấy là linh cơ hễ động thì họ làm thôi, tư tưởng của họ hễ nghĩ một cái thì họ làm rồi; nhưng tư tưởng đó không hề trải qua cân nhắc kỹ càng đầy đủ, chưa có trải qua suy xét chi tiết, vậy mà làm được rất tốt”. (Giảng Pháp tại Pháp hội New York kỷ niệm 25 năm Đại Pháp hồng truyền [2017])

Có lần tôi đã cầu xin Sư phụ Lý gia trì chính niệm khi tìm kiếm ý tưởng để bắt đầu vẽ một bức tranh về Pháp Luân Công. Chẳng mấy chốc, một bức vẽ hoàn chỉnh xuất hiện trong tâm trí tôi và tôi hoàn thành nó rất nhanh. Thực vậy, học Pháp và tu luyện bản thân chính là nền tảng của mọi việc chúng ta làm trong thời kỳ Chính Pháp.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/12/31/376575.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/2/26/175970.html

Đăng ngày 10-03-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share