Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Quý Châu, Trung Quốc

[MINH HUỆ 16-12-2018] Các luật sư đại diện cho một cư dân thành phố Quý Dương đã đưa ra lập luận phản bác lại các bằng chứng truy tố của tòa án và yêu cầu bản án bốn năm tù của ông phải được xét xử lại.

Vào ngày 8 tháng 1 năm 2017, ông Trần Hiến Trung, 72 tuổi, đã bị bắt cùng với nhiều học viên Pháp Luân Công khác tại nhà riêng của ông khi họ đang cùng nhau học sách Pháp Luân Công. Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp kể từ năm 1999.

Ông Trần đã được tại ngoại 12 ngày sau đó nhưng bị bắt giam trở lại vào ngày 24 tháng 5 năm 2017. Hai phiên xét xử đã được tổ chức tại Tòa án quận Nam Ninh trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2018 và ông bị kết án bốn năm tù vào ngày 26 tháng 9. Ông Trần đã nộp đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm Thành phố Quý Dương, nơi xét xử ông vào ngày 5 tháng 12. Trong phiên xét xử đó, công tố viên đã trích lại bằng chứng được sử dụng trong phiên tòa đầu tiên, rằng ông Trần sở hữu các sách Pháp Luân Công và đã sử dụng bốn chiếc điện thoại di động để gửi 139 tin nhắn ghi âm sẵn và video có chứa thông tin về Pháp Luân Công.

Các luật sư phản bác rằng không có nhân chứng nào được gọi đến dự phiên tòa đầu tiên, cũng như không có bất kỳ tin nhắn nào trong số 139 tin được đưa ra tại tòa. Họ tái khẳng định rằng, không có nhân chứng nào có mặt và không có đoạn phim nào được chiếu.

Các luật sư này cũng lập luận rằng cảnh sát đã vi phạm các thủ tục pháp lý và có khả năng đã ép buộc vợ ông Trần nhận tội. Vợ ông đã thừa nhận có nhìn thấy những tin nhắn trên điện thoại di động của chồng bà bị lấy cớ để buộc tội ông. Thẩm phán chủ tọa thường xuyên ngắt lời các luật sư và ông Trần mỗi khi họ đề cập đến Pháp Luân Công để bào chữa cho ông. Thẩm phán này đã cho hoãn phiên tòa mà không đưa ra bất kỳ một quyết định nào.

139 tập tin âm thanh và các video

Công tố viên cáo buộc ông Trần đã gửi 139 tập tin âm thanh và video liên quan đến Pháp Luân Công trên mạng xã hội thông qua bốn chiếc điện thoại di động trong cả phiên xét xử ban đầu và phiên phúc thẩm.

Một trong các luật sư của ông Trần nói rằng chính mình đã nhìn thấy cảnh sát sử dụng các video âm nhạc được yêu thích để làm bằng chứng buộc tội các học viên Pháp Luân Công khác khi ông làm đại diện cho họ trước kia. Ông lập luận rằng không thể chấp nhận các video này vì công tố viên liên tục từ chối phát các video mà ông ta cáo buộc. Thẩm phán từ chối yêu cầu của luật sư này và nói rằng cảnh sát đã tuân thủ các thủ tục pháp lý để có được bằng chứng và đó là hợp lệ.

Lời khai của vợ ông Trần không được chứng thực

Cảnh sát cũng công bố hồ sơ thẩm vấn được sử dụng trong các phiên tòa trước đó, trong đó vợ ông Trần đã thừa nhận rằng bà đã nhìn thấy thông tin liên quan đến Pháp Luân Công trên điện thoại di động của ông.

Các luật sư của ông Trần đã đưa ra các câu hỏi liên quan đến cách mà cảnh sát lấy lời khai của bà trong phiên phúc thẩm.

Trước hết, các luật sư cho biết, cảnh sát đã không đọc những gì họ viết trong hồ sơ thẩm vấn cho bà Trần nghe hoặc để bà ấy xác nhận nội dung trước khi ký tên vào đó. Vì vậy, việc cảnh sát ghi thêm nội dung vu khống vào biên bản là hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Thứ hai, các luật sư chỉ ra rằng Luật Hình sự Trung Quốc yêu cầu ít nhất hai sĩ quan cảnh sát phải có mặt trong khi thẩm vấn, nhưng hồ sơ do cảnh sát đệ trình chỉ có chữ ký của một sĩ quan. Điều đó có nghĩa là hồ sơ thẩm vấn của bà không được chấp nhận về mặt pháp lý để làm bằng chứng buộc tội chồng bà.

Các luật sư nói rằng họ không thể loại trừ khả năng cảnh sát có được lời nhận tội của vợ ông Trần là do họ đã hăm dọa và ép buộc bà. Luật sư đã ba lần yêu cầu thẩm phán cho phép bà ra làm chứng tại tòa vì bà đang đợi bên ngoài phòng xử án, nhưng thẩm phán đã từ chối.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/12/16/378511.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/1/13/174611.html

Đăng ngày 11-02-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share