[MINH HUỆ 22-12-2018] Tăng Tử tên Sâm, tự Tử Dư, là người nước Lỗ thời Xuân Thu. Ông và phụ thân Tăng Điểm đều là học trò ưu tú của Khổng Tử. Tăng Tử vô cùng hiếu kính cha mẹ.

Trong cuộc sống thường ngày, mỗi khi đến bữa ăn, Tăng Tử nhất định sẽ cẩn thận quan sát và thể hội khẩu vị và thói quen ăn uống của cha mẹ, đồng thời ghi nhớ kỹ những thức ăn mà cha mẹ thích. Do đó mỗi ngày ba bữa cơm, Tăng Tử đều chuẩn bị được những món ăn thịnh soạn mà cha mẹ thích nhất.

Trong lòng Tăng Tử, điều ông từng giờ từng phút nghĩ đến là nhu cầu của cha mẹ. Tất cả sự vật mà cha mẹ yêu thích ông đều để trong lòng, để bất kỳ lúc nào cũng có thể thỏa mãn tâm nguyện cha mẹ.

Phụ thân Tăng Điểm thấm nhuần sự giáo dục của Thánh hiền, bình thường thích làm việc thiện, thích bố thí, thường xuyên tiếp tế bà con xóm làng nghèo khó. Đối với thói quen này của cha, Tăng Tử cũng khắc sâu ghi nhớ trong lòng. Do đó mỗi lần cha mẹ ăn cơm xong, ông đều cung kính xin cha mẹ chỉ bảo xem cơm và thức ăn còn lại này nên tặng cho ai.

Tăng Tử không những vô cùng coi trọng phụng dưỡng thân thể cha mẹ, cho dù trong cuộc sống thường nhật, lời nói hành vi cũng cực kỳ cẩn thận, chỉ sợ phụ ân dưỡng dục của cha mẹ, lo lắng mình biểu hiện không tốt khiến cha mẹ chịu hổ thẹn.

Khổng Tử biết Tăng Tử là người con hiếu thảo, do đó đã truyền thụ học vấn “Đạo hiếu” cho ông. Trong “Hiếu kinh”, Khổng Tử và Tăng Tử đã dùng hình thức vấn đáp đã biểu lộ diễn giải ra toàn bộ Đạo hiếu. Khổng Tử căn dặn Tăng Tử nhất định phải phát dương Đạo hiếu. Có thể thấy Tăng Tử là người có lòng hiếu, nết hiếu khác hẳn người thường.

Cả đời Tăng Tử tuân theo lời dạy của Khổng Tử, thực hiện theo những điều được dạy bảo, chuyên tâm dốc sức vào đạo hiếu. Ông dùng hành vi, tiết thủ của cả cuộc đời mình để nói với chúng ta làm thế nào để thực hiện đạo hiếu trong cuộc sống thường nhật. Ông không những làm được “Ở nhà hiếu kính cha mẹ, ra ngoài thân thiện bằng hữu”, mà còn làm được “cẩn thận lại giữ chữ tín”, đồng thời ông còn đem những đức hạnh mà Khổng Tử đã truyền dạy này lưu truyền cho hậu thế, bồi dưỡng giáo dục học trò của ông. “Hiếu kinh” do ông truyền thuật cũng được lưu truyền cho đến ngày nay.

Nhìn tấm lòng bậc cha mẹ khắp thiên hạ, đều hy vọng con em mình có thể thành rồng thành phượng, hy vọng con em có được thành tựu. Nhưng thành tựu “công danh lợi lộc” thì không được coi là thành tựu thực sự, mà thành tựu “Học vấn Đạo đức” như Tăng Tử mới là thành tựu chân thực.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/12/22/378385.html

Đăng ngày 02-02-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share