Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Singapore

[MINH HUỆ 4-12-2018] Tôi lớn lên trong một gia đình nghèo ở một ngôi làng của Singapore và là con cả trong bảy anh chị em. Từ khi còn rất nhỏ, mặc dù thấp bé và gầy gò, tôi vẫn được giao nhiệm vụ chăm sóc những đứa em của mình và phụ giúp các công việc gia đình.

Khi lớn lên, tôi hồn nhiên mơ ước trở thành một vị Bồ tát có thể bay đi khắp mọi nơi và cứu độ chúng sinh khỏi đau khổ và tai họa. Mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi thường xem xét lại những lời nói và cách hành xử của mình để xem tôi có làm gì sai trái hay gây hại cho người khác không. Tôi cảm thấy rằng tôi không nên làm tổn thương người khác ngay cả khi họ làm tổn thương tôi.

Là người đa cảm, tôi chịu rất nhiều đau khổ. Trong những năm đi học, tôi thường bị bắt nạt và cô lập. Khi tôi lớn lên và đi làm, tôi là người duy nhất sẵn sàng chịu đựng những hành động ác ý và ích kỷ của đồng nghiệp.

Hạnh phúc khi tìm thấy Đại Pháp

Vợ của ông chú họ tôi từ Hồng Kông đến Singapore vào tháng 5 năm 1998 để hướng dẫn mẹ tôi tu luyện Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp). Cô ấy nói với tôi rằng Sư phụ Lý Hồng Chí, người sáng lập Pháp Luân Công, sẽ đến Singapore vào tháng 8 và cô ấy nhờ tôi tìm giúp mẹ một tấm vé để tham dự Pháp hội.

Sư phụ Lý đến Singapore giảng Pháp vào ngày 22-23 tháng 8 năm 1998. Tôi rất may mắn có cơ hội tham dự Pháp hội, được gặp trực tiếp Sư phụ và trở thành một học viên Pháp Luân Đại Pháp.

Khi đến dự Pháp hội, tôi chưa hề đọc những cuốn sách Đại Pháp và không biết gì về tu luyện. Nhưng khi thấy nhiều người khóc sau khi nhìn thấy Sư phụ, tôi cũng đã khóc. Lúc đó, tôi không biết tại sao, mà chỉ cảm thấy rất xúc động. Sư phụ thật vĩ đại, cao lớn, thần thánh và từ bi. Trái tim tôi hạnh phúc và ấm áp khi nhìn thấy Sư phụ.

Vào ngày thứ hai của Pháp hội, tôi may mắn được ngồi ở hàng ghế thứ ba. Tôi rất gần với Sư phụ, và Sư phụ nhìn tôi vài lần. Trái tim tôi đập mạnh như thể sắp nổ tung. Tôi có cảm nhận sâu sắc rằng tôi có rất nhiều nghiệp lực và chỉ có Sư phụ mới có thể cứu giúp tôi. Tôi biết rằng tôi muốn đi theo con đường tu luyện Đại Pháp và theo Sư phụ trở về nhà.

Bây giờ tôi đã tu luyện Đại Pháp được 20 năm. Nhớ về Pháp hội năm 1998, tôi có cảm giác như Sư phụ đã muốn thức tỉnh các đệ tử Đại Pháp ở Singapore để họ có thể thực hiện thệ nguyện tiền sử của mình.

Vào lúc đó, chúng tôi cần làm cho nhiều người biết về Đại Pháp hơn để họ cũng có cơ hội tu luyện. Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Đại Pháp vào tháng 7 năm 1999, chúng tôi cần hỗ trợ các học viên ở Trung Quốc và giảng thanh chân tướng với người dân thế giới về Đại Pháp và cuộc đàn áp. Lúc đó, Sư phụ dường như bảo chúng tôi nhanh chóng thức tỉnh.

Khổ nạn đeo đuổi

Sau khi bắt đầu tu luyện, bất cứ khi nào cơ thể tôi cảm thấy khó chịu, tôi sẽ tập các bài tập Pháp Luân Công và nhanh chóng hồi phục. Sức mạnh của Đại Pháp giúp tôi kiên định vào đức tin của mình. Khi tôi đọc Chuyển Pháp Luân lần đầu tiên, tôi khóc và nói trong tâm: “Bây giờ tôi đã hiểu. Tôi chắc chắn sẽ vững bước trên con đường tu luyện”.

Một vài người bạn đề nghị tôi gia nhập các tôn giáo của họ, nhưng những điều họ nói không thể tác động đến tôi. Đại Pháp rất tốt, nên Cựu thế lực sẽ không cho phép bất cứ ai đắc Pháp dễ dàng. Chúng không ngại ngần sử dụng những phương thức thấp kém để tạo ra khổ nạn cho người tu luyện, để khảo nghiệm xem một người có thể tiếp tục kiên định tu luyện pháp môn vĩ đại như vậy hay không.

Vào ngày 24 tháng 8 năm 1998, một ngày sau khi tôi tham dự Pháp hội, con gái tôi đột nhiên bị nhiễm virut và qua đời ở tuổi 14. Con bé rất đáng yêu và vui vẻ, luôn được thầy cô và bạn bè yêu mến. Khi con gái tôi đột ngột rời đi, tôi ngay lập tức bị rơi vào trạng thái hỗn loạn, đau đớn, lo lắng và sợ hãi. Tôi thường xuyên lo lắng rằng một người thân yêu khác cũng có thể rời bỏ tôi. Lúc đó, tôi mới bắt đầu tu luyện, tôi rất đau buồn và thường bật khóc khi đang luyện công hay học Pháp. Cuộc sống thật khó khăn!

Tôi mới tu luyện và chưa có nhận thức sâu sắc về Đại Pháp. Tôi tiếp tục cố gắng buông bỏ chấp trước vào tình với con gái mình và các học viên cũng động viên tôi. Tuy nhiên, tâm trạng tôi thường xuyên thay đổi và khi nhớ đến con gái, tôi thường bật khóc một cách không kiểm soát.

Một ngày nọ, tôi đang học Pháp, một vài từ xuất hiện rất rõ ràng trong tâm trí tôi, “Tôi không muốn nước mắt của bạn”. Những từ này xuất hiện trong nháy mắt, và khi tôi cố gắng nhìn kỹ vào cuốn sách, tôi không thể tìm thấy cụm từ này. Tôi biết rằng tôi đã làm Sư phụ thất vọng và không nên tiếp tục hành xử như thế này mãi.

Sư phụ giảng:

“Nhân tại mê trung, không vứt bỏ được những thứ này. Có người không vứt bỏ được [tâm về] con của họ, nói [nó] tốt ra sao, nó chết rồi; mẹ họ tốt ra sao, cũng chết rồi; họ thống thiết muốn chết [theo], quả thật bỏ nửa cuộc đời còn lại để theo những người kia. Chư vị không nghĩ ư, đó chẳng phải đến giày vò chư vị? Dùng hình thức ấy để chư vị chẳng có ngày nào yên.” (Bài giảng thứ sáu – Chuyển Pháp Luân)

Tôi hiểu rằng lý do tôi không thể vượt qua khổ nạn này là vì tôi đã ngăn không cho mình làm như vậy. Tôi đã có một ý nghĩ biến nỗi đau này thành động lực tinh tấn. Tôi tự nhắc nhở mình rằng các học viên Đại Pháp bị bức hại ở Trung Quốc phải đối mặt với tình huống tồi tệ hơn nhiều so với tôi, vậy khổ nạn của tôi so với họ có đáng gì?

Tôi nghĩ chắc hẳn con gái tôi rời khỏi thế gian này là có nguyên do. Vì tôi đã đắc Pháp, tôi nên quyết tâm tu luyện cho đến cuối cùng. Sau khi nhận ra điều này, tôi không còn khóc nữa. Tuy nhiên, tôi đã mất ba năm để hoàn toàn buông bỏ chấp trước này.

Thật ra, con gái tôi cũng được hưởng lợi từ việc tu luyện Đại Pháp của tôi. Chị tôi nói với tôi rằng chị ấy mơ thấy con gái tôi nói con bé đã đi đến một nơi rất tốt đẹp. Con trai tôi cũng có một giấc mơ về em gái của mình. Thằng bé nói rằng con gái tôi mặc trang phục cổ xưa và có nhiều người chào đón cháu.

Tu luyện trong khổ nạn

Hành vi của con trai tôi ngày càng xuống dốc, nó cố tình làm một số điều xấu khiến tôi thất vọng về nó. Những lúc tôi không thể vượt qua, tôi nói với con trai rằng: “Cuộc sống đã rất khó khăn với mẹ. Những gì con đang làm chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn, làm cho mẹ vất vả hơn! Mẹ quá mệt mỏi đến mức có thể suy sụp bất cứ lúc nào!

Khi con gái tôi qua đời, con trai tôi vẫn đang học trung học. Hai đứa rất thân thiết và luôn hỗ trợ lẫn nhau. Vì vậy, con gái tôi rời đi là một cú sốc lớn với thằng bé và làm tổn thương nó rất nhiều. Khi còn là một thiếu niên, cái chết của em gái đã làm thay đổi thế giới quan của cháu và thằng bé trở nên rất dễ bị tổn thương. Dưới ảnh hưởng không lành mạnh của xã hội hiện đại, tôi rất đau lòng khi nhìn thấy con trai mình ngày càng trượt dốc.

Tôi cảm thấy thực sự chán nản, lạc lõng và bất lực, nhưng những lời giảng của Sư phụ thường xuất hiện trong tâm trí tôi:

“Có Sư phụ ở đây, có Pháp ở đây, sợ cái gì” (Giảng Pháp tại Pháp hội Sydney [1996])

Các bài giảng của Sư phụ tiếp tục khích lệ tôi đối mặt với hoạn nạn và coi nó như một bước đệm cho sự tiến bộ trong tu luyện.

Vì tôi đã đắc Pháp, tôi phải tiếp tục con đường này. Sư phụ đang theo dõi tôi, tôi phải tiếp tục vững bước trên con đường tu luyện. Cựu thế lực đã an bài rất cụ thể, và mọi khổ nạn và khảo nghiệm có thể rất ghê gớm. Điều này là để xem liệu tôi có động tâm và vượt qua được không.

Tôi tiếp tục quan sát hành vi của con trai tôi và cố gắng chỉ bảo cháu. Tôi nói với con trai rằng tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm với những việc mà chúng ta làm trong cuộc sống, rằng chúng ta phải trân trọng bản thân, sống ngay thẳng và bước đi trên con đường chân chính.

Mỗi lần nói chuyện với con trai, tôi đều cố gắng nói với cháu một số lời dạy từ cuốn Chuyển Pháp Luân. Là một học viên, tôi phải từ bỏ cái tình và thực sự có trách nhiệm với sinh mệnh này bằng lòng từ bi. Tuy nhiên, khi đi vào thực hành trong cuộc sống hàng ngày thật không hề dễ dàng.

Sư phụ giảng:

“Nếu ‘tình’ kia chẳng đoạn, thì chư vị không thể tu luyện được. Người ta nếu nhảy ra khỏi cái ‘tình’ này, thì không ai động đến chư vị được, tâm người thường không động đến chư vị được; thay vào đó là ‘từ bi’, vốn là điều cao thượng hơn.” (Bài giảng thứ tư – Chuyển Pháp Luân)

Tôi tiếp tục đọc các bài giảng của Sư phụ và tăng cường chính niệm.

Một thời gian sau, con trai tôi bắt đầu thay đổi và thậm chí xin lỗi tôi. Con trai tôi không còn làm những điều xấu và sẵn sàng lắng nghe tôi nói về việc trở thành một người tốt như thế nào. Đối mặt với vô vàn thử thách trong những năm qua, tôi đã dần buông bỏ được chấp trước vào tình.

Giải phóng bản thân khỏi tâm chấp trước vào tình

Có câu nói rằng gia đình là nơi trú ẩn khỏi những cơn bão tố của cuộc đời. Tuy nhiên, với tôi, gia đình lại là nơi tôi phải trải qua tất cả các cơn bão của đời mình.

Vào tháng 9 năm 2011, tôi phát hiện chồng mình ngoại tình. Nó thực sự như Sư phụ giảng:

Bách khổ nhất tề giáng
Khán kỳ như hà hoạt (Khổ kỳ tâm chí – Hồng Ngâm)

Tạm dịch:

Trăm khổ cùng giáng xuống

Xem sẽ sống ra sao (Khổ về tâm chí – Hồng Ngâm)

Trái tim tôi bỗng chốc tràn ngập những cảm xúc lẫn lộn của tình yêu, thù hận, và báo thù. Trong cơn hỗn loạn, tôi nhìn thấy chấp trước của tôi về sợ mất mặt và cảm giác tự ti, bất bình và phù phiếm.

Khi mọi việc trở nên khó khăn, tôi học Pháp. Sau nhiều lần học Pháp, tôi có thể cảm nhận được Sư phụ ở bên cạnh tôi và là người duy nhất tôi có thể tin cậy. Tôi đã tạo rất nhiều nghiệp qua các kiếp sống của mình và Sư phụ đang giúp tôi tiêu trừ nó.

Trong quá trình đối mặt với chồng, mỗi khi trái tim tôi bắt đầu xáo động, tôi nhớ rằng chỉ có một con đường duy nhất cho tôi là buông bỏ chấp trước và tu luyện. Không có sự lựa chọn nào khác.

Vì tôi muốn cho con cái của chúng tôi có một gia đình trọn vẹn, tôi đã không nghĩ đến việc ly hôn, tôi cũng không làm mọi chuyện ầm ĩ lên. Tôi tiếp tục sống những ngày bình yên, chăm sóc gia đình, chuẩn bị tất cả các bữa ăn và hoàn thành nghĩa vụ làm vợ. Tôi cũng đưa chồng đi xem buổi biễu diễn nghệ thuật của Thần Vận.

Sư phụ giảng:

Tình thị việt tránh việt khẩn đích võng
Danh lợi bả nhân nhất sinh khổn bảng
Chấp trước trung bị thương đích thái trọng
Thậm ma tài thị nhân đích tưởng vãng
Tố nhân bất thị vi liễu tranh thưởng
Nguy nạn thời Thần tại bả nạn đáng
Kim sinh vi kiến Sáng Thế đích Chủ
Nhĩ sinh sinh thế thế tại tầm phỏng.(Thậmma thị nhĩ đích tưởng vãng – Hồng Ngâm III)

Tạm dịch:

‘Tình’ là cái lưới mà càng giãy lại càng chặt
Danh lợi cột chặt vào đời người
Trong chấp trước, bị tổn thương quá nặng
Điều gì mới thật sự là điều con người mong mỏi
Làm người không phải là để tranh giành
Lúc nguy nạn Thần sẽ đỡ gạt nạn cho
Đời này là để gặp Sáng Thế Chủ
Hằng bao đời [luân hồi] bạn đang tìm. (Điều bạn mong tưởng là gì– Hồng Ngâm III)

Tôi đã thuộc lòng bài thơ này của Sư phụ và dùng nó để suy ngẫm về bản thân rất nhiều. Tôi hiểu rằng cái tình mà tôi dành cho các con và chồng tôi thực sự là một cái lưới càng giãy lại càng chặt. Tôi đã học được cách làm cho mọi việc nhẹ nhàng hơn, đối mặt với các thử thách và chấp nhận mọi việc phát sinh cho đến khi tôi có thể buông bỏ chấp trước.

Không còn tâm chấp trước về yêu thương, thù hận, tình cảm sẽ đưa con người đến các cảnh giới cao hơn. Chúng chỉ là những vấp ngã đè nặng tâm tôi và cản trở sự tiến bộ của tôi trên con đường tu luyện.

Tôi thường so sánh tình huống của bản thân với các đệ tử Đại Pháp ở Trung Quốc. Nếu tôi gặp phải những khổ nạn như họ, chắc chắn tôi sẽ không thể vượt qua được. So với những bức hại mà họ phải chịu đựng, vấn đề của tôi không là gì cả.

Ai ai cũng phải trải qua những cơn bão trong cuộc đời. Tôi có Sư phụ dõi theo khi tôi vượt quan và đối mặt với khổ nạn. Tôi phải tu luyện tốt bản thân và vượt qua chúng. Nếu không, tôi sẽ lãng phí thời gian của mình và để Sư phụ thất vọng.

Sau nhiều năm tu luyện, tôi không còn thấy cuộc sống khó khăn và tâm tôi không còn dao động như trước nữa. Thay vào đó, tôi đối xử với mọi việc bằng tâm từ bi. Thỉnh thoảng khi tôi đi bộ trên những con phố đông đúc và nhìn những người đi ngang qua, tôi cảm thấy họ thật đáng thương khi bản thân bị điều khiển bởi những cảm xúc thất thường và không ngừng bị áp lực vì họ không thể thoát khỏi sự kiểm soát đó. Chỉ những người tu luyện mới có thể thoát khỏi nó, vì vậy tôi cảm thấy rất đỗi may mắn khi tôi có thể trở thành một đệ tử Đại Pháp.

Một lần, tôi nói chuyện với một người phụ nữ Ấn Độ về Đại Pháp, đôi mắt cô ấy sáng lên vì phấn khích. Cô ấy nói: “Tôi đã đợi ngày hôm nay hằng bao lâu nay – Chúa thực sự cuối cùng cũng ở đây!” Tôi cảm thấy hạnh phúc và xúc động khi nghe điều này, vì tôi cảm thấy rằng tất cả mọi người đang chờ đợi Đại Pháp để được cứu độ.

Trải qua 20 năm tu luyện, mỗi ngày, tôi đều vô cùng biết ơn Sư phụ. Tôi sẽ không ở đây hôm nay nếu không phải là an bài của Sư phụ. Giờ đây, tôi cảm thấy rằng thời gian thực sự rất eo hẹp và tôi cần phải trân trọng từng giây từng phút để nói cho mọi người biết về Pháp Luân Đại Pháp, hoàn thành thệ nguyện từ thời tiền sử và theo Sư phụ trở về nhà.

Con xin cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn các bạn đồng tu!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/12/4/378018.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/1/6/174536.html

Đăng ngày 27-01-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share