[MINH HUỆ 14-12-2018] Nghiêu, Thuấn, Vũ là ba vị đế vương nổi tiếng thời thượng cổ, họ đều bởi đức hạnh to lớn của mình nên được người khắp bốn phương tiến cử lên ngôi hoàng đế. Trong đó, Thuấn vì “chí hiếu” đã cảm động cả Trời Đất, được vua Nghiêu chọn làm người kế vị. Câu chuyện của ông cũng được xếp thứ nhất trong những câu chuyện về nết hiếu qua các thời đại.

Sau khi lên ngôi, Thuấn đặt quốc hiệu là “Ngu” (nghĩa là yên vui), do đó trong lịch sử gọi ông là Ngu Thuấn.

Ngu Thuấn vốn họ Diêu, tên Trọng Hoa. Phụ thân được gọi là “Cổ Tẩu” (nghĩa là ông già mù), là một người không hiểu rõ lý sự, rất ngoan cố, đối xử không tốt đối với Thuấn. Mẫu thân Thuấn được gọi là “Ác Đăng”, vô cùng hiền lành thiện lương, nhưng không may qua đời từ khi Thuấn còn nhỏ tuổi. Sau đó phụ thân tái hôn, mẹ kế là một người không có đức. Sau khi sinh em trai là Tượng, phụ thân không những chỉ yêu thương mẹ kế và em trai, 3 người lại còn thường liên kết lại ức hiếp Thuấn. Nhưng Thuấn đối với cha mẹ thủy chung vẫn vô cùng hiếu thuận. Mặc dù phụ thân, mẹ kế và em trai đều coi Thuấn như cái gai trong mắt, muốn trừ bỏ, nhưng Thuẫn vẫn cung kính hiếu thuận cha mẹ, yêu thương em trai, dốc hết sức mình làm cho gia đình hòa thuận êm ấm, cùng hưởng niềm vui gia đình với họ. Tuy phải trải qua đủ các loại cực nhọc trắc trở, nhưng Thuấn cả đời đều nỗ lực không mệt mỏi vì mục tiêu này.

Khi còn nhỏ, Thuấn bị cha mẹ mắng mỏ, suy nghĩ đầu tiên trong tâm là: “Nhất định là mình có chỗ nào làm không tốt mới khiến cha mẹ tức giận”. Thế là ông càng cẩn thận kiểm điểm lại lời nói việc làm của mình, nghĩ cách để cha mẹ vui. Khi bị em trai ức hiếp vô lý, Thuấn không những không vì thế mà phẫn nộ, trái lại ông cho rằng là do ông chưa làm được tấm gương tốt mới khiến đức hạnh em trai có những khiếm khuyết. Ông thường xuyên tự khiển trách mình sâu sắc, có lúc thậm chí còn chạy ra cánh đồng khóc lớn, tự hỏi tại sao mình không thể làm được tận thiện tận mỹ, để cha mẹ vui lòng. Mọi người thấy ông nhỏ tuổi đã có thể hiếu thuận hiểu biết như thế này, không ai không cảm động sâu sắc.

Tương truyền lòng hiếu thuận chân thành của Thuấn không chỉ cảm động xóm làng, thậm chí đã cảm động cả Trời Đất vạn vật. Ông đã từng cày ruộng ở núi Lịch Sơn, chung sống vô cùng hài hòa với núi đá cỏ cây, với chim muông côn trùng cá tôm, các loài động vật đều tới tấp đến giúp ông. Voi hiền lành thuần phục đến giúp ông cày ruộng. Những chú chim nhỏ nhắn xinh xắn nhanh nhẹn kết thành bầy tí ta tí tách giúp ông nhặt cỏ. Thấy được sức mạnh của đức hạnh to lớn như thế này, mọi người không ai không kinh ngạc, cảm phục. Mặc dù như vậy, Thuấn vẫn cung kính hiếu thuận và khiêm nhường như trước.

Dần dà, đức hạnh của Thuấn ngày càng được nhiều người ca ngợi và truyền tụng, khắp các nơi trên toàn quốc đều biết Thuấn là một người con đại hiếu.

Năm vua Nghiêu 86 tuổi, ông cảm thấy mình tuổi tác đã cao, hy vọng có thể tìm được một người thích hợp kế thừa ngôi vị vua. Khi ông hỏi ý kiến quần thần, các đại thần đều đồng thanh tiến cử Thuấn với ông, không phải vì gì khác mà chính là vì Thuấn là một người con có hiếu nổi tiếng. Từ đó có thể thấy, người xưa lựa chọn quốc quân đã đặt nết hiếu đứng đầu các đức hạnh. Trong con mắt của họ, một người hiếu thuận mẹ cha thì nhất định sẽ yêu quý bảo vệ bách tinh thiên hạ.

Nào ngờ, sau khi Thuấn thừa kế ngôi vua, không những không cảm thấy vui mừng, trái lại ông còn thương cảm nói rằng: “Mặc dù tôi làm đến hôm nay, cha mẹ vẫn chưa yêu thích tôi, tôi làm thiên tử, đế vương thì có tác dụng gì?”. Nết hiếu chí đức của ông, một tấm lòng son ứa máu, khiến ai nghe được cũng cảm thấy như chính mình trải nghiệm, ai nấy đều nước mắt lưng tròng.

Nhưng ông Trời không phụ người khổ tâm, nết hiếu, lòng hiếu thuận của Thuấn cuối cùng cũng đã cảm hóa được cha mẹ và em trai.

Hiếu tuy không khó, nhưng khi cha mẹ đối với mình không tốt mà vẫn có thể kiên trì hiếu thuận thì rất khó. Nếu không những kiên trì hiếu thuận mà trước hành động xấu ác của cha mẹ mà vẫn có thể chủ động tự kiểm điểm bản thân, tìm những thiếu sót của mình, thì càng khó khăn gấp bội. Sở dĩ nói Thuấn là “Chí hiếu”, “Đại hiếu”, đại thể chính là vì nguyên cớ này.

Sách “Mạnh Tử” viết: “Thuấn hà nhân dã? Dư hà nhân dã? Hữu vi giả, diệc nhược thị”, ý nghĩa là “Thuấn là người như thế nào, Ta là người như thế nào? Người nào gắng sức làm thì cũng được như vậy”. Có nghĩa là, vua Thuấn làm được hiếu thuận như thế này, chúng ta cũng có thể làm được.

Không khó tưởng tượng, nếu chúng ta ai ai cũng như Thuấn như thế này, thực sự làm hết bổn phận “hiếu thuận mẹ cha”, sau đó lại đem chữ “Hiếu” mở rộng ra đến tất cả mọi người, công việc, và sự vật xung quanh, thế thì không những mỗi gia đình đều hạnh phúc mỹ mãn, mà cả xã hội cũng trở nên hài hòa hữu ái.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/12/14/378388.html

Đăng ngày 17-01-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share