Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 26-12-2018] Qua một người quen làm trong chính quyền, gia đình của ông Đỗ Dĩ Hợp, một học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Sơn Đông đã biết rằng các nhà chức trách đã quyết định kết án người thân yêu của họ bốn năm tù. Một tháng sau, ngày 24 tháng 11 năm 2018, ông Đỗ bị đưa ra xét xử bí mật, và gia đình ông không hề hay biết.

Gia đình ông Đỗ cho rằng bản án đã được định đoạt trước, nhưng đến nay vẫn chưa được công bố, điều này phải chăng là để trả đũa việc họ từ chối nhận vị luật sư do tòa án chỉ định. Các nhà chức trách hứa rằng sẽ tuyên ông Đỗ một bản án nhẹ nếu gia đình ông chấp nhận một luật sư, người mà đã được chỉ đạo là phải thay mặt ông Đỗ nhận tội.

Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện dựa trên tiêu chuẩn Chân – Thiện – Nhẫn. Chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã phát động chiến dịch bức hại pháp môn này trên toàn quốc vào tháng 7 năm 1999. Kể từ đó, hệ thống tư pháp và thực thi pháp luật (công an, kiểm sát, tư pháp) của Trung Quốc rất tích cực thực hiện chính sách bức hại của chính phủ tiến hành bắt bớ các học viên Pháp Luân Công một cách tùy tiện, kết án một cách vô căn cứ, và tuyên các bản án đã được ấn định từ trước.

Lính canh tuyên bố với gia đình ông Đỗ rằng ông ‘thích bị giam giữ’

Ông Đỗ, là cha của ba người con trai, hiện đang cư trú ở huyện Nghi Lan. Người đàn ông 56 tuổi này bị bắt giữ vì tu luyện Pháp Luân Công vào ngày 28 tháng 5 năm 2018, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) được tổ chức ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông trong hai ngày 9 và 10 tháng 6 năm 2018. Cảnh sát bắt giữ ông nhằm ngăn ông rời khỏi nhà đến làm việc ở một thành phố khác.

Gia đình ông Đỗ đã tới Trại tạm giam Huyện Nghi Nam để yêu cầu thả ông, nhưng một viên lính canh ở đó đã nói với họ: “Ông Đỗ thích ở trong đó và không muốn về.”

Các lần bắt giữ và tra tấn trước đó

Trước lần bắt giữ gần đây nhất, ông Đỗ từng vài lần bị bắt giữ và thụ án ba năm trong một trại lao động cưỡng bức vì không từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.

Ông bị bắt lần đầu vào ngày 25 tháng 7 năm 1999, ngay sau khi cuộc bức hại xảy ra. Công an đánh đập ông tàn bạo bằng ván tre, sốc điện ông bằng dùi cui, và trói ông cho tới khi ông bất tỉnh.

Tiếp đó, ông Đỗ bị bắt giữ lần hai vào năm 2001, và bị đưa tới một trại tẩy não, tại đó chính quyền cố gắng cưỡng ép ông từ bỏ Pháp Luân Công. Chân và lưng của ông bị trọng thương do bị lính canh đánh đập tàn nhẫn. Ông không thể đi lại và chỉ có thể bò. Vào ban đêm, lính canh lột sạch quần áo của ông và để ông ngoài tuyết lạnh.

Ông Đỗ từng bị kết án ba năm lao động cưỡng bức vào ngày 19 tháng 6 năm 2003 và bị đưa tới Trại Lao động Cưỡng bức Vương Thôn, ở đó ông lại bị tra tấn tàn bạo. Các phương thức tra tấn mà trại áp dụng với ông bao gồm đóng băng, ngồi trên một chiếc ghế nhỏ trong thời gian dài, cấm ngủ, tẩy não cường độ cao, lao động nặng nhọc. Ông bị bức thực khi tuyệt thực để phản đối bức hại. Lính canh từng đập đầu ông vào tường. Ông đã ở bên bờ vực của cái chết do bị tra tấn và ngược đãi.

Trại lao động gia hạn giam giữ ông thêm hai tháng bởi ông phản kháng bị bức hại bằng cách không hợp tác với các yêu cầu của lính canh.

Ông rất yếu và hốc hác khi được trả tự do vào ngày 1 tháng 5 năm 2006.

Ông Đỗ chỉ được tận hưởng cuộc sống bên gia đình trong một thời gian ngắn ngủi trước khi công an bắt giữ ông một lần nữa vào ngày 24 tháng 5 năm 2007. Ngày hôm đó, khi vợ ông đi làm về, bà phát hiện phòng họ mở toang và nơi ở của họ bị xáo trộn khủng khiếp sau cuộc đột kích của công an.

Năm 2015, sau khi ông Đỗ đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của chính quyền Cộng sản Trung Quốc tội phát động bức hại Pháp Luân Công, cảnh sát đã kéo đến nhà sách nhiễu vợ ông trong khi ông đang làm việc ở xa nhà. Họ lục soát nhà ông và bắt vợ ông, một người không biết đọc, phải ký tên vào một văn bản mà không nói với bà nó là gì.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/12/26/378916.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/12/31/174041.html

Đăng ngày 11-01-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share