Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 4-12-2018] Tính cách của tôi rất bốc đồng, và rất dễ nổi nóng. Mặc dù đã được cải thiện theo thời gian, nhưng tôi vẫn thường xuyên nổi giận. Là một học viên lâu năm đã tu luyện hơn 20 năm, tôi vẫn cảm thấy rất xấu hổ.

Làm thế nào để tôi có thể tu bỏ tính nóng nảy đây? Sau khi đọc Pháp nhiều lần, tôi nhận ra rằng tính khí nóng nảy là do có vấn đề về tâm tính. Tu bỏ sự nóng giận cần đặt công phu vào tu tâm. Trong mọi trường hợp, cưỡng chế kiểm soát sự nóng giận sẽ không giải quyết được vấn đề về cơ bản.

Sư phụ giảng:

“Trong tu luyện chư vị không phải là do chính mình đề cao một cách hết sức thực tại một cách chân chính, từ đó khiến bên trong phát sinh biến hoá lớn mạnh về bản chất, mà là dựa vào lực lượng của tôi, mượn nhân tố lớn mạnh bên ngoài, như thế vĩnh viễn không cải biến bản chất con người của chư vị chuyển biến thành Phật tính được.” (Lời cảnh tỉnh, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

“Mong rằng mọi người từ nay trở đi trong quá trình tu luyện, hãy thật sự coi mình là người luyện công, tiếp tục tu luyện một cách chân chính. Tôi mong rằng các học viên mới và cũ đều có thể tu luyện trong Đại Pháp, đều có thể công thành viên mãn! Mong rằng mọi người về nhà hãy tranh thủ thời gian để thực tu.” (Bài giảng thứ 9, Chuyển Pháp Luân)

Tôi quyết tâm tu tốt bản thân mọi lúc mọi nơi, ngay trong cuộc sống thường ngày của mình.

Người tu luyện không theo đuổi danh tiếng và lợi ích cá nhân

Trước Tết Nguyên đán năm 2018, tôi đã gửi một tác phẩm thư pháp cho Hội thư họa cao niên địa phương. Tôi tự thấy bức thư pháp của mình rất đẹp và nghĩ rằng chắc chắn nó sẽ được trưng bày tại triển lãm.

Điều phối viên triển lãm đã thông báo cho tôi rằng tác phẩm của tôi không lọt vào danh sách do lỗi đánh máy ký tự. Tôi hỏi tại sao không có ai báo với tôi để chỉnh sửa.

Điều phối viên giúp tôi liên lạc với người quản lý, ông ta nói: “Tất cả các tác phẩm được chọn đã được gửi đi để xử lý và đóng khung. Chúng tôi không còn thời gian để chờ nên đã không thông báo cho ông”. Khi nghe điều đó, tôi đã mất bình tĩnh và tranh cãi: “Trước đây khi phụ trách công việc này, tôi luôn gửi lại các tác phẩm bị loại để cho tác giả có cơ hội chỉnh sửa”. Cuối cùng, phó giám đốc điều hành của hiệp hội đã nghe thấy trường hợp này và đồng ý đưa bức thư pháp của tôi vào triển lãm sau khi đã được chỉnh sửa.

Liệu tôi có thực sự muốn điều này không? Tôi tự hỏi mình sau khi bình tĩnh lại. Tôi nhận ra rằng không có gì xảy ra là ngẫu nhiên đối với người tu luyện Đại Pháp.Tôi tự thắc mắc: “Tại sao hôm nay tôi lại nổi nóng? Có phải vì bức thư pháp của tôi mất cơ hội được trưng bày tại triển lãm không? Tại sao tôi lại buồn khi nó không được trưng bày? Có phải vì tôi nghĩ rằng bức thư pháp của tôi rất đẹp không?

Việc này khiến tôi nhận ra rằng chấp trước của tôi vào hư danh là nguyên nhân gốc rễ. Là một người tu luyện, sao tôi lại có thể theo đuổi danh tiếng và sự phù phiếm? Tôi gọi điện ngay cho phó giám đốc để nói rằng tôi quyết định không tham gia triển lãm và cảm ơn lòng tốt của ông ấy.

Ông ấy đã rất ngạc nhiên trước quyết định của tôi và nói: “Người khác sẽ rất buồn khi tác phẩm của họ bị đặt ở nơi không được nhìn thấy. Giờ thì ông thậm chí còn không đổ lỗi cho nhân viên của tôi vì sự bất cẩn. Tại sao vậy?” Tôi nói với ông ấy rằng tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, tôi không theo đuổi danh lợi của người thường, và thường cân nhắc cho người khác thay vì gây rắc rối cho họ. Do tất cả các bức thư pháp đã được gửi đi, nên tôi không muốn làm phiền nhân viên của ông để nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Ông ấy khen ngợi sự hiểu biết và tấm lòng rộng mở của tôi. Khi những thành viên khác trong Hội thư pháp biết chuyện này, họ nói rằng: “Phần lớn chúng ta đều chạy theo danh lợi. Học viên Pháp Luân Công lại hoàn toàn khác chúng ta về phương diện này”.

Buông bỏ tâm ích kỷ và quan niệm con người

Con gái lớn của tôi cũng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp cùng với tôi. Do chồng của con gái tôi và gia đình chồng cháu phản đối Đại Pháp, nên con gái tôi thường xuyên gặp rắc rối ở nhà. Cho dù chúng tôi đã cố gắng giải thích với họ như thế nào, thì họ vẫn không chịu lắng nghe. Mọi việc trở nên tồi tệ hơn sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào tháng 7 năm 1999.

Bất cứ khi nào có thông tin tiêu cực về Pháp Luân Đại Pháp, các thành viên trong gia đình thông gia sẽ hoảng sợ, và yêu cầu con gái tôi từ bỏ tu luyện. Khi con bé từ chối, họ sẽ đến nhà tôi gây sự. Tôi luôn nói chuyện với họ về Đại Pháp và cách các học viên cố gắng trở thành người tốt. Họ đồng ý rằng con gái tôi là một người tốt, nhưng đơn giản là họ không muốn con bé tu luyện Đại Pháp.

Một ngày nọ, trong một buổi họp mặt gia đình, con rể tôi nổi cơn thịnh nộ và buộc tội tôi đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến vợ nó và là nguyên nhân gây ra tất cả rắc rối trong gia đình chúng. Làm thế nào có thể nuốt trôi một sự xúc phạm lớn như vậy! Tôi hét vào mặt con rể: “Đồ vô ơn”. Con rể tôi kinh ngạc và không nói thêm được lời nào. Những người khác đột nhiên im lặng và bỏ đi, để lại sự bất hòa không thể hàn gắn.

Sau đó, tôi đã rất hối hận vì không giữ vững tâm tính của mình mà nóng giận trở lại. Lần này tôi đã làm gì sai? Ở bề mặt, tôi đã cố gắng bảo vệ Đại Pháp và con gái tôi. Nhưng sau khi cân nhắc, tôi nhận ra rằng nó bắt nguồn từ tâm ích kỷ và mong muốn tự bảo vệ bản thân.

Sư phụ giảng:

“Tuy nhiên thường khi mâu thuẫn đến, [nếu] chẳng làm kích động đến tâm linh người ta, [thì] không đáng kể, không tác dụng, không đề cao được” (Bài giảng thứ 4, Chuyển Pháp Luân)

Quả đúng như vậy. Sau khi nhận ra chấp trước của bản thân và đề cao tâm tính, từ bỏ quan niệm con người và nhìn nhận mọi thứ với tấm lòng khoan dung, cuối cùng tôi đã có thể cư xử bình thường trở lại với con rể và gia đình thông gia mà không cảm thấy ác cảm hay oán hận. Tôi chỉ muốn làm cho họ hiểu được tác động tiêu cực của việc tuyên truyền dối trá của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Vượt qua khảo nghiệm

Vợ tôi và tôi trông cháu gái bốn tuổi hàng ngày. Ban đầu, khi cho cháu ăn, vợ tôi sợ rằng con bé dễ bị phân tâm nên bắt đầu đút cho bé ăn. Cháu ngoại tôi dần quen với việc đó nên cứ đến bữa cơm thì khăng khăng đòi người khác đút cho ăn. Về sau, trong khi ăn, con bé không tập trung và bắt đầu chơi. Vợ tôi nhận ra rằng bà ấy đã nuông chiều con bé và xin tôi giúp đỡ.

Khi tôi đặt bát cơm trước mặt con bé và bảo bé tự ăn, nó đã khóc và hét vào mặt tôi. Nhưng sau khi tôi giải thích bằng tâm thái bình ổn, con bé đã bình tĩnh trở lại và bắt đầu lặng lẽ ăn. Ngày thứ hai, con bé không chịu ăn cho dù tôi có thử đủ mọi cách trừ khi tôi đút cho nó. Nếu việc này xảy ra trước đây, tôi sẽ nổi nóng và cho con bé một trận hoặc thậm chí sẽ đánh đòn nó. Tuy nhiên, tôi nhớ lại những gì Sư phụ đã giảng:

“Khó Nhẫn, chư vị hãy cứ Nhẫn xem sao; thấy thật khó làm, nói là khó làm, chư vị cứ làm xem cuối cùng có làm được chăng”. (Bài giảng thứ 9, Chuyển Pháp Luân)

Tôi biết tôi cần phải nhẫn và đề cao tâm tính của mình. Vì vậy, tôi vẫn bình tĩnh, im lặng và không nổi nóng. Sau 20 phút, tôi đã thử lại lần nữa và con bé miễn cưỡng làm theo. Tôi hiểu rằng con bé khó chịu là tốt cho tôi và để khảo nghiệm sự nhẫn nại của tôi. Sau đó, tôi đọc lại tất cả các đoạn Pháp liên quan đến nhẫn và đề cao tâm tính để nâng cao nhận thức của tôi về Pháp.

Ngày thứ ba tôi bắt con bé tự ăn, nó liền khóc và hét to hơn và không nghe bất kỳ một lý lẽ nào. Tiếng khóc của con bé khiến tâm trí tôi bị khuấy động mạnh mẽ, tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực. Tôi đã cố gắng để kiểm soát cơn nóng giận của mình và nhẫn chịu những gì đang xảy ra.

Lúc này, con dâu tôi ở đấy, con dâu tôi đập đũa xuống bàn và hét lên: “Bố đang làm hư con bé đấy. Nếu nó là con gái con, ắt hẳn bố đã lôi con bé ra khỏi bàn và cho nó một trận rồi”. Con dâu tôi dường như đã sẵn sàng để tranh cãi với tôi. Hành động của con dâu như đổ thêm dầu vào lửa. Nhưng ngay khi tôi sắp sửa nổ tung thì giáo lý của Sư phụ hiện lên trong đầu tôi.

Sư phụ giảng:

“Là người luyện công chúng ta sẽ đột nhiên gặp mâu thuẫn. Xử lý thế nào? Bình thường chư vị luôn luôn bảo trì trái tim từ bi, [bảo trì] tâm thái hoà ái; [khi] gặp vấn đề thì sẽ xử lý được tốt, bởi vì nó có một khoảng hoà hoãn.” (Bài giảng thứ 4, Chuyển Pháp Luân)

Thật đáng kinh ngạc khi tâm trí tôi đột nhiên trở lại trạng thái yên bình. Tôi tập trung tư tưởng của mình và nói với con dâu bằng giọng bình tĩnh và chậm rãi: “Bố đã từng rất nóng tính. Hiện giờ bố đã nhận ra nó. Nuôi dạy con cái cần sự kiên nhẫn và có phương pháp, không nên chửi mắng hay đánh chúng. Đây là bước thay đổi đầu tiên của bố”.

Một cuộc chiến trong gia đình tưởng như không thể tránh khỏi đã không xảy ra. Cháu ngoại tôi ngừng khóc và la hét. Con bé nhìn mọi người bằng đôi mắt đẫm lệ và lặng lẽ cầm bát, bắt đầu tự ăn. Tôi biết tôi đã kiểm soát được cơn nóng giận của mình và vượt qua được khảo nghiệm.

Tôi nhận ra rằng quá trình kiểm soát cơn nóng giận của tôi là quá trình đề cao tâm tính và loại bỏ các chấp trước. Sau khi học Pháp, tâm trí tôi dần dần đạt đến trạng thái thanh thản và bình ổn. Đối mặt với xung đột, tôi đã có thể mỉm cười và đối xử nhẹ nhàng với người khác.

Trong một buổi họp mặt đồng nghiệp gần đây, một người đã khen tôi: “Hiện tại, tâm thái của ông rất bình hòa!” Tôi biết Sư phụ đã động viên tôi thông qua lời khen của đồng nghiệp. Tôi cũng nhận thức được rằng tôi vẫn còn một chặng đường dài để có thể trở thành một đệ tử Đại Pháp chân chính.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/12/4/377744.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/12/18/173675.html

Đăng ngày 08-01-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share