Bài viết của Anh Tử, phóng viên báo Minh Huệ tại Ottawa

[MINH HUỆ 8-12-2018] Bộ phim tài liệu Thư từ Mã Tam Gia đã được trình chiếu tại Quốc hội Canada vào ngày 5 tháng 12 năm 2018.

Thượng nghị sỹ Marilou McPhedran và các nghị sỹ Quốc hội Cheryl Hardcastle và Tom Kmiec là người bảo trợ cho buổi chiếu phim. Nhiều nghị sỹ Quốc hội tham gia buổi trình chiếu đã nói với các tình nguyện viên tổ chức buổi chiếu phim rằng họ cảm phục lòng can đảm của các học viên Pháp Luân Công. Sau buổi chiếu phim, nhiều ủy viên Quốc hội đã kêu gọi dư luận chú ý tới hoàn cảnh của các học viên Pháp Luân Công đang bị ngược đãi ở Trung Quốc, kể cả một công dân Canada – bà Tôn Thiến.

fa870f46027639f6ea885fd6022123f0.jpg

Thượng nghị sỹ Marilou McPhedran (thứ ba từ phải sang, ở hàng trước), nghị sỹ Quốc hội Cheryl Hardcastle (giữa hàng trước) và nghị sỹ Quốc hội Tom Kmiec (thứ hai từ trái sang, hàng trước) chụp ảnh cùng đạo diễn phim “Thư từ Mã Tam Gia”- ông Leon Lee (thứ ba từ trái sang, hàng trước)

Thượng nghị sỹ McPhedran kêu gọi giải cứu học viên Tôn Thiến

Thượng nghị sỹ McPhedran cảm động đến rơi nước mắt khi xem bộ phim kể về câu chuyện của học viên Pháp Luân Công Tôn Nghị bị cầm tù trong một trong những trại lao động cưỡng bức khét tiếng nhất Trung Quốc. Bà nói rằng bà lo ngại trước tình trạng ngược đãi bà Tôn Thiến, một công dân Canada, cũng như những học viên khác đang bị tra tấn ở Trung Quốc.

“Cũng như nhiều người trong khán phòng này, tôi đã rơi lệ”, bà nói. “Tôi quan ngại sâu sắc trước việc một công dân Canada của chúng ta, bà Tôn Thiến – vẫn đang sống, mà đã bị chúng ta bỏ quên. Chúng ta chưa thể cho bà ấy sự an toàn.”

62a6b11afa8815a2e901efcb08959eb0.jpg

Bà Tôn Thiến, một công dân Canadian bị giam giữ bất hợp pháp ở Trung Quốc chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công

Thượng nghị sỹ McPhedran nói: “Những gì đang xảy ra với công dân Tôn Thiến của Canada và các học viên Pháp Luân Công khác rõ ràng đã vi phạm vào Tuyên bố chung về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, và Công ước chống tra tấn”, bà nói thêm: “Đây là lúc chúng ta hợp lại, củng cố, và nỗ lực hành động hơn nữa để đưa bà ấy về Canada.”

Các nghị sỹ Quốc hội nhận định về sự kiên định và niềm tin phi thường của các học viên

Nghị sỹ Quốc hội Harold Albrecht hết sức cảm động về bộ phim. Ông nói: “Câu chuyện tối nay rất đáng lo ngại, nó cho chúng ta thấy rằng nhân quyền đang bị xâm phạm trong các nhà tù.”

“Ông ấy (Tôn Nghị) có sự kiên định và niềm tin như vậy – thật đáng nể. Tôi nghĩ, ông ấy có rất nhiều đều để chúng ta học hỏi. Chúng ta thường cho rằng chúng ta gặp nhiều khó khăn; còn khó khăn của ông ấy dường như là không thể vượt qua được, nhưng ông ấy đã rất xuất sắc khi sống theo niềm tin của ông ấy, luôn vững vàng và kiên định.”

Các nghị sỹ quốc hội đề xuất mọi người nên xem bộ phim này

Ông Leon Lee, giám đốc sản xuất bộ phim trả lời các câu hỏi của các nghị sỹ Quốc hội sau khi xem phim.

Ông nói: “Tôi hy vọng rằng câu chuyện của ông Tôn Nghị sẽ được nhiều người hơn nữa biết đến, và mọi người sẽ thông qua ông ấy để biết thêm rằng đang có nhiều người như ông ấy ở Trung Quốc, họ có những câu chuyện chúng ta chưa hề biết đến, những người đang hàng ngày đối mặt với sự nguy hiểm ngay cả khi làm những việc đơn giản như sản xuất tờ rơi, đĩa DVD cho công chúng biết được điều gì đang diễn ra.”

Nghị sỹ Quốc hội Steven Blaney cho biết, ông lấy làm hài lòng khi được xem bộ phim này và đề xuất ai cũng nên xem.

Ông nói thêm rằng: “Bộ phim rất truyền cảm. Đây là một bài học về lòng can đảm, hy vọng, cũng như sự thận trọng. Bộ phim phơi bày thực trạng nhân quyền ở Trung Quốc, những thách thức, cũng như lòng can đảm tuyệt vời của những người muốn cải thiện thực trạng đó.”

Ủy viên Quốc hội Cheryl Hardcastle nói rằng, dù cho những vấn đề này nổi cộm ở Trung Quốc, dù có thống khổ về thể xác cũng như tinh thần đến thế nào, chúng ta vẫn phải tiếp tục nỗ lực để tạo nên sự thay đổi.

Bà nói: “Tôi sẽ tĩnh lặng vào tối nay để suy nghĩ thêm về vấn đề này. Một bộ phim như thế này có ý nghĩa vô cùng sâu sắc và có ích đối với chúng ta. Nó khiến chúng ta thấy rằng chúng ta không thể bỏ cuộc.”

Bối cảnh

Bộ phim tài liệu bắt đầu bằng một bức thư tay được tìm thấy trong một chiếc hộp đựng đồ trang trí Halloween, được bà Julie Keith, sống ở Oregon, Mỹ mua từ một siêu thị. Bức thư là lời cầu cứu của một tù nhân lương tâm tại trại lao động cưỡng bức khét tiếng Mã Tam Gia ở thành phố Thẩm Dương, Trung Quốc. Bà Keith đã đăng bức thư này lên các kênh thông tin đại chúng, từ đó, truyền thông thế giới đưa tin về câu chuyện này và tạo ra một làn sóng phản ứng, khiến hệ thống cải tạo lao động ở các trại lao động cưỡng bức của Trung Quốc bị xóa bỏ, ít nhất cái tên, vào năm 2013.

Tác giả của bức thư, ông Tôn Nghị, bị giam giữ ở trại lao động cưỡng bức chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông đã mạo hiểm mạng sống để đưa câu chuyện của mình ra thế giới thông qua bức thư bí mật, gần đây, lại mạo hiểm khi thực hiện cuốn phim tài liệu này để phơi bày về cuộc khủng hoảng nhân quyền ở Trung Quốc hơn nữa.

Dưới sự theo dõi của chính quyền Trung Quốc, ông Tôn Nghị đã quay lại cuộc sống của ông ở Trung Quốc, và phỏng vấn các cựu tù nhân ở trại Mã Tam Gia. Cùng với câu chuyện của mình, ông Tôn Nghị còn chia sẻ những bức vẽ khắc họa những hình thức tra tấn mà ông phải chịu đựng và chứng kiến ở Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia.

Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh, đơn vị đăng cai giải Oscar, đã công bố danh sách giải thưởng thứ 91 dành cho bộ phim tài liệu xuất sắc vào ngày 8 tháng 11 năm 2018. Bộ phim Thư từ Mã Tam Gia cũng nằm trong danh sách này.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/12/8/378181.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/12/10/173577.html

Đăng ngày 13-12-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share