Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 3-10-2018] Trong suốt 10 năm tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, những chấp trước người thường của tôi đã liên tục nổi lên, một số biểu hiện cực kỳ mạnh mẽ. Vì không có nhận thức Pháp sâu sắc, nên tôi thường buông lơi tu luyện và dùng lý của người thường để đối đãi với khổ nạn. Ví dụ, tôi từng rất khổ sở để tu bỏ tâm oán hận và tật đố.

Tôi tật đố và oán hận trước cách mà mẹ chồng tôi đối xử với vợ chồng người em trai của chồng tôi; rõ ràng bà đối tốt với họ nhiều hơn là với vợ chồng tôi. Mặc dù có thể loại bỏ nhiều chấp trước và vẫn giữ quan hệ tốt với gia đình chồng, nhưng tôi đã không hoàn toàn buông bỏ được tâm oán hận và đố kỵ. Trên bề mặt, có vẻ như gia đình chúng tôi hòa thuận. Tuy nhiên, vì chúng tôi đóng góp cho gia đình nhiều hơn những thành viên khác, nên đôi lúc tôi cảm thấy bất công.

Chồng tôi được một người họ hàng nuôi dạy cho đến khi anh đủ tuổi đi học. Gia đình chồng tôi luôn thiên vị em trai của anh. Sau khi hai người con trai trưởng thành và kết hôn, cha mẹ họ vẫn tiếp tục thiên vị gia đình người em trai. Ngay cả hàng xóm cũng nhận ra sự khác biệt, và họ cũng cảm thấy rằng cách chúng tôi bị đối xử là không công bằng.

Sư phụ Lý Hồng Chí viết trong cuốn Chuyển Pháp Luân rằng:

“Trước đây thực thi chủ nghĩa bình quân tuyệt đối, giảng rằng dẫu cá nhân nào thì sinh ra là đều như nhau, hậu thiên [mới] cải biến người ta. Tôi nói rằng thuyết ấy quá tuyệt đối; cái gì quá tuyệt đối thì không còn đúng nữa.”

“Chúng tôi từ trên cao tầng mà nhìn, [thấy rằng] tại không gian khác [đã] tồn tại một đời người sắp đặt ở đó; hỏi có thể như nhau không? Cứ muốn rằng bình quân, [nhưng] trong đời của họ không có [thứ ấy], thì bình quân sao đây? [Người ta là] khác nhau.” (Bài giảng thứ bảyChuyển Pháp Luân)

Sư phụ cũng giảng:

“Nhân tại mê trung dễ phạm điều xấu, trong Phật giáo gọi là ‘nghiệp lực luân báo’. Do đó con người thường xuyên tự họ có ma nạn nào đó, hay gặp lúc có việc không tốt, đó đều là ở trong nghiệp lực luân báo mà hoàn trả nghiệp của mình.” (Bài giảng thứ haiChuyển Pháp Luân)

Tôi đột nhiên nhận ra việc mình không thể hoàn toàn buông bỏ được cảm giác bất công là do tôi đã dùng khái niệm “bất công” của người thường để nhận thức tình huống. Tôi đã không nhớ ra rằng khổ nạn này là để “hoàn trả” nghiệp.

Khi ngộ đến điểm này, bất cứ khi nào gặp phải đối đãi “bất công”, tôi lập tức bài xích quan niệm “bất công” của người thường và dễ dàng vượt qua khảo nghiệm. Bây giờ, tôi thành tâm đối xử tốt với em trai chồng và đặt lợi ích của gia đình chồng lên trên. Tôi thực sự cảm nhận được trạng thái vô tư vô ngã!

Kỳ thực rất nhiều chấp trước đều là do chúng ta đã không từ Pháp lý mà nhận thức vấn đề.

Ví dụ, tôi luôn nghĩ rằng thời gian là eo hẹp khi cố gắng chiểu theo những yêu cầu của Sư phụ. Tôi bắt đầu lo lắng và cảm thấy áp lực vì tôi biết các đệ tử Đại Pháp chúng ta có sứ mệnh lịch sử cứu độ chúng sinh. Sau khi học Pháp, tôi nhận ra rằng tôi sẽ không cảm thấy lo lắng nếu học và lĩnh hội tốt các bài giảng.

Một người tu luyện nên ở trạng thái từ bi bình thản. Khi lo lắng hay cảm thấy áp lực, tôi cũng tựa như một người thường. Trong trạng thái đó, tư tưởng của tôi không ở trong Pháp, và khi tặng tài liệu về Đại Pháp cho chúng sinh, tôi có thể bị từ chối hoặc lăng mạ.

Thực ra, ẩn phía sau cảm giác lo lắng đó là tâm truy cầu. Tôi muốn làm tốt, tôi muốn học Pháp và luyện công tốt, tôi muốn cứu thêm nhiều người. Đây là tâm truy cầu. Bất kể thời gian gấp đến đâu hay chúng ta phải giải quyết bao nhiêu việc, chúng ta chỉ cần đi làm là được rồi. Nhận thức của tôi là, nếu chúng ta buông bỏ tâm truy cầu, Sư phụ sẽ an bài tốt hết thảy.

Trên đây là chút thể ngộ của tôi trong tu luyện, có điểm nào không đúng với Pháp, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/10/3/375290.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/11/9/173193.html

Đăng ngày 12-12-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share