Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Hắc Long Giang

[MINH HUỆ 3-11-2018] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 2011 và được hưởng rất nhiều thọ ích. Trước đó, tôi mắc khoảng 20 chứng bệnh khác nhau như đau họng, đau cổ, sơ cứng vai và nhiều bệnh khác. Nhưng tất cả đều biến mất kể từ khi tôi tu luyện. Tôi vô cùng biết ơn Đại Pháp vì đã đem đến cho tôi những điều diệu kỳ này.

Tại Pháp hội lần này, tôi muốn chia sẻ với các bạn cách tôi áp dụng nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp tại nhà trẻ do gia đình tôi quản lý và những thay đổi đáng kể mà nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn đem đến cho các em.

Nâng cao giá trị đạo đức

Tại đây, tôi có nhiều cơ hội để dạy cho trẻ những nguyên lý của Pháp Luân Đại Pháp, bắt đầu với tầm quan trọng của các giá trị văn hóa truyền thống. Như với chủ đề về các giá trị truyền thống, tôi kể cho trẻ nghe câu chuyện về Đế Thuấn, đồng thời gửi địa chỉ truy cập video này cho các phụ huynh và đề nghị họ xem cùng các con. Sau đó, tôi yêu cầu các em diễn giải ý nghĩa của câu chuyện. Phụ huynh các em rất cảm động trước những thông điệp tích cực mà các câu chuyện đem đến.

Với chủ đề về lòng biết ơn, tôi nói về sự hy sinh của cha mẹ, giáo viên, người thân và bạn bè để các em học cách hiểu rõ giá trị của những gì mà người khác làm cho chúng. Tôi cũng dạy trẻ về lòng trung thành thông qua câu chuyện về danh tướng Nhạc Phi và về tình nghĩa huynh đệ qua những câu chuyện trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Tôi nói với trẻ rằng chúng nên coi trọng các giá trị đạo đức truyền thống này.

Trên cơ sở đó, tôi bắt đầu chia sẻ với trẻ sự hiểu biết của tôi về Chân – Thiện – Nhẫn. Chân có nghĩa là trung thực và không nói dối. Thiện là luôn luôn giúp đỡ người khác và làm những việc tốt; Nhẫn là cởi mở và nhẫn nại. Tôi cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đức. Ví như, chúng ta không nên bắt nạt người khác hoặc lấy cắp những thứ thuộc về người khác; bằng không, chúng ta sẽ bị mất đức và tích nghiệp.

Kết quả là, những đứa trẻ trong trường đã không còn dùng những từ ngữ xấu hoặc nói dối. Các em biết tỏ thái độ tôn trọng người khác, cả ở trường lẫn ở nhà. Trong giờ ăn, tôi nói với chúng rằng nên trân quý đồ ăn thức uống và đừng bao giờ để lãng phí thức ăn. Các em đều hiểu và không để lãng phí nữa.

Tại lớp học, tôi dạy cho trẻ đọc những bài thơ của Sư phụ [Sư phụ Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp] trong tập thơ Hồng Ngâm. Tôi dạy các em niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo. Chân – Thiện – Nhẫn hảo”, vì điều đó sẽ đem đến cho chúng những điều tốt lành. Các em đã đọc đi đọc lại chín chữ này nhiều lần, thậm chí chúng còn yêu cầu cha mẹ cùng đọc thuộc.

Sau giờ lên lớp, tôi chơi các bản nhạc Đại Pháp là Phổ Độ và Tế Thế để cho các em nghe. Tôi yêu cầu các em không nên xem ti vi hoặc chơi trò chơi điện tử. Tôi cũng gửi thông báo tới các phụ huynh để giúp đỡ các con mình trong vấn đề này. Dần dần, các em không còn xem ti vi hay chơi trò chơi điện tử nữa. Tôi tổ chức chơi các trò chơi xếp hình như là phần thưởng dành cho chúng. Ngoài ra, mỗi tuần tôi đều cho các em xem các video có tính giáo dục về văn hóa truyền thống.

Khi trò chuyện với phụ huynh về cách tiếp cận để giáo dục trẻ, tôi thường hỏi họ về cách cư xử của trẻ tại gia đình. Phụ huynh học sinh đánh giá cao những gì chúng tôi đang làm và họ rất hợp tác. Nhận thấy sự tiến bộ rất ấn tượng của con mình, một số phụ huynh còn đem tặng tôi quà hoặc tiền, nhưng tôi luôn lịch sự từ chối.

Ngày 1 tháng 6 là Ngày Tết Thiếu nhi ở Trung Quốc. Vào ngày này, ngoài việc chăm sóc trẻ trong giờ lên lớp, tôi thường mời phụ huynh các bé đến tham dự bữa tiệc tối tại nhà tôi. Tôi chuẩn bị hơn 30 món ăn truyền thống để mời họ. Tôi nói chuyện với họ về đức tin của tôi đối với Pháp Luân Đại Pháp và Đại Pháp đã dạy cho con người trở nên tốt đẹp như thế nào. Các bậc phụ huynh đều hiểu, và sau khi nghe đến việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại các học viên Pháp Luân Đại Pháp vô tội, họ quyết định thoái ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó.

Tôi biết rằng cơ hội để tu luyện Pháp Luân Đại Pháp là rất quý giá. Sư phụ đã phải hy sinh rất nhiều cho chúng ta. Vì vậy, tôi cố gắng làm tốt những việc học viên cần làm và không để lãng phí thời gian. Vài năm qua, tám đứa trẻ đã trở thành các tiểu đệ tử Đại Pháp. Tôi muốn chia sẻ một số câu chuyện của họ.

Sư phụ giúp một đứa trẻ khai mở trí huệ

Ba năm trước, Đồng Đồng đến đây nhập học khi bé được ba tuổi. Cậu bé tỏ ra nhút nhát, ít nói và gặp khó khăn trong việc ghi nhớ. Cậu bé không thể thuộc những bài thơ và không biết đọc bính âm dù tôi đã dạy bé nhiều lần. Mẹ bé không đặt nhiều hy vọng, cũng như không mong đợi gì nhiều từ cậu.

Là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, tôi biết tôi nên làm tốt hơn. Hướng nội, tôi nhận ra mình có xu hướng vội vàng và đây là cơ hội để tôi buông bỏ nó. Tôi đã viết bản bính âm của Hồng Ngâm vào một quyển vở và dạy cho Đồng Đồng đọc bất cứ khi nào tôi có thời gian. Sau khi dạy Đồng Đồng đọc được năm lần, thì bất ngờ cậu bé có thể đọc, viết bằng bính âm và thậm chí còn viết được một số bài thơ bằng bính âm. Không chỉ vậy, kỹ năng làm toán của Đồng Đồng cũng được cải thiện. Cậu bé bắt đầu cư xử như một đứa trẻ bình thường.

Một lần, khi chúng tôi cho học sinh giải một số đề toán Olympic dành cho lứa tuổi nhỏ, Đồng Đồng đã làm rất tốt. Thực tế, cậu bé đã giải được các bài toán khó một cách chính xác. Tất cả chúng tôi đều thấy mừng cho cậu vì tôi hiểu rằng Sư phụ từ bi đã giúp Đồng Đồng khai mở trí huệ.

Một đứa trẻ “không có nhiều hy vọng“

Trong số tất cả những đứa trẻ tôi từng dạy, có lẽ Bằng Bằng là thách thức lớn nhất đối với tôi. Cha mẹ của Bằng Bằng đã ly hôn khi cậu bé bốn tuổi. Cậu bé sống cùng với mẹ. Một năm sau khi ly hôn, cha của Bằng Bằng đã đem trả cậu bé về cho mẹ chăm sóc vì thấy con trai có nhiều tật xấu.

Bằng đến nhà trẻ của tôi tháng 8 năm ngoái. Khi biết cha cậu đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp một thời gian, còn cậu bé ngay từ lúc nhỏ đã được nghe các bài giảng Pháp của Sư phụ, tôi hiểu rằng Bằng là một tiểu đệ tử và tôi cần phải làm hết sức để giúp cậu. Tôi chỉ có thể quan tâm đến cậu bé trước và sau giờ học, còn trong giờ, tôi rất khó quản lý được cậu bé khi còn phải bận chăm sóc những đứa trẻ khác. Vì vậy, tôi phải nhờ đến người cha 78 tuổi của mình giúp đưa đón Bằng đi học mỗi ngày.

Sự xuất hiện của Bằng Bằng đã gây xáo trộn lớn cho cuộc sống riêng của tôi. Cậu bé rất thất thường và bướng bỉnh, có nhiều thói hư tật xấu. Không những thế, cậu bé cũng rất kén chọn đồ ăn, nói dối và lấy trộm đồ của người khác. Hơn nữa, Bằng Bằng còn tỏ ra không thích học và thường xuyên đánh nhau với bạn.

Chẳng bao lâu sau, tôi nhận ra vấn đề lớn nhất của Bằng Bằng chính là chứng trầm cảm. Một hôm, cậu bé khóc và nói với tôi: “Những đứa trẻ khác đều có cha mẹ chăm sóc, nhưng con thì không có ai quan tâm cả. Con sống để làm gì? Mỗi ngày, con đều nghĩ đến cái chết… như nhảy từ một tòa nhà cao tầng xuống chẳng hạn.”

Tôi thấy sợ hãi trước những lời tâm sự của Bằng Bằng, tôi ôm lấy cậu bé và nói: “Bằng à, dù cho cha mẹ có thể không chăm sóc tốt cho con nhưng Sư phụ sẽ không từ bỏ con và đó là lý do vì sao Ngài gửi con tới đây. Chúng ta đều từ Thiên Thượng đến thế gian này và nhờ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, con có thể quay trở về nhà, nơi đó vô cùng tốt đẹp và con sẽ không còn phải thấy lo lắng hay buồn phiền nữa.” Nghe lời tôi nói, Bằng ngừng khóc và lau nước mắt.

Ngay sau đó, tôi hạ quyết tâm sẽ chăm sóc tốt hơn cho Bằng Bằng – từ chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt và thậm chí cả thời gian biểu hàng ngày của cậu bé. Nhưng thật sự rất khó khăn. Tôi đối xử với Bằng Bằng rất tốt, nhưng cậu bé không chịu tiếp thu, thậm chí còn chống đối tôi. Tôi nấu các món ăn ngon nhưng cậu bé không mấy hứng thú. Việc làm bài tập về nhà vào mỗi tối thậm chí còn khó khăn hơn nữa. Tôi phải ở lại cùng Bằng sau giờ học; bằng không, cậu bé sẽ không chịu làm bài tập ở nhà. Để tránh không phải làm bài, cậu bé sẽ để sách vở ở lại trường. Không những vậy, cậu ta cũng không chịu học hoặc làm bài tập trên lớp. Bằng Bằng đã được chuyển chỗ ngồi vài lần nhưng cậu bé vẫn đánh các bạn khác. Các giáo viên đứng lớp đã chán nản và cho cậu bé ngồi một mình ở cuối lớp.

Tôi gọi cho giáo viên chủ nhiệm, hy vọng anh ấy có thể giúp Bằng. Cha tôi thì không thể theo kịp Bằng khi cùng cậu bé đi bộ đến trường. Ông không muốn tôi giữ lại cậu bé. Các học viên khác cũng không đặt nhiều hy vọng. Tôi yêu cầu Bằng Bằng ghi nhớ và niệm Hồng Ngâm cùng tôi nhưng cậu bé từ chối làm vậy.

Đối diện với tất cả những khó khăn này, tôi nhớ đến lời giảng của Sư phụ trong Hồng Ngâm II,

Từ bi năng dung thiên địa Xuân

Chính niệm khả cứu thế trung nhân (Pháp Chính Càn Khôn)

Tạm dịch:

Từ bi có thể hoà tan trời đất thành mùa Xuân

Chính niệm có thể cứu con người ở thế gian

Tôi hiểu rằng Pháp Luân Đại Pháp là viên dung hết thảy. Đó hẳn là do tôi chưa đủ từ bi nên mới gặp khó khăn như vậy. Hơn nữa, nếu Pháp Luân Đại Pháp không thể thay đổi cậu bé thì sẽ không còn hy vọng cho Bằng Bằng.

Vì vậy, tôi đã mua rất nhiều đồ chơi và bim bim. Tôi thưởng cho Bằng Bằng mỗi khi cậu bé chịu học Pháp. Sau bữa sáng, tôi dành nửa giờ để đọc Hồng Ngâm cùng cậu bé cho tới giờ đi học. Lúc đầu, cậu bé không chịu làm vậy, nên tôi đã đưa đồ chơi để Bằng Bằng tự chơi, hoặc thưởng cho cậu bé bim bim yêu thích khi nhớ được một bài thơ. Một tuần sau, cậu bé có thể nhớ được hai bài thơ trong nửa giờ. Cậu bé cũng tham gia học Pháp cùng chúng tôi vào buổi tối. Mặc dù Bằng Bằng vẫn không chịu ngồi yên, hay đứng dậy và đi lại loanh quanh nhưng mỗi ngày cậu bé đã có thể đọc hết một bài giảng Chuyển Pháp Luân.

Hai tuần sau, Bằng Bằng đã tự mình đọc thuộc câu “Pháp Luân Đại Pháp hảo. Chân – Thiện – Nhẫn hảo”. Cậu bé cũng thuộc Hồng Ngâm mà không cần phải nhắc bài. Sau khi học Pháp vào buổi tối, chúng tôi cùng đố xem ai có thể ngồi đả tọa được lâu hơn. Lúc đầu, Bằng Bằng chỉ ngồi được 10 phút, nhưng sau đã tăng dần đến 20 rồi 30 phút. Sau cùng, cậu bé có thể ngồi được hết một tiếng đồng hồ. Khuôn mặt của cậu đã trở nên hồng hào và thay cho biểu hiện căm phẫn trên gương mặt là nụ cười tươi tắn. Cả hai chúng tôi đều ngày một tín tâm hơn và tôi đã tăng thời gian học Pháp.

Mặc dù đã có những cải thiện, nhưng Bằng Bằng vẫn gây rắc rối. Tôi luôn tuân theo lời giảng của Sư phụ và đối xử với cậu bé hết sức từ bi. Hai tháng trôi qua, cuối cùng cậu bé cũng chịu mở lòng và nói với tôi tất cả mọi điều. Bằng Bằng cũng bắt đầu thích đi học. Đến một ngày, cậu bé nói rằng tôi là người quan tâm đến cậu bé nhiều nhất trên thế gian này. Mắt tôi ướt nhòe, sau một lúc, tôi nói với cậu bé: “Con hãy luôn nhớ rằng, người yêu mến và quan tâm nhiều nhất đến con là Sư phụ. Ngài đã cứu con và yêu cầu ta chăm sóc con. Nếu con muốn cảm ơn bất cứ ai, hãy cảm ơn Sư phụ.”

Cha của Bằng Bằng rất hạnh phúc về sự tiến bộ của con trai mình. Sáu tháng sau, điểm số học tập của Bằng Bằng đã được cải thiện đáng kể. Thậm chí, cậu bé còn tham gia các kỳ thi về toán học và được điểm cao trong kỳ thi cuối kỳ về ngôn ngữ, toán và khoa học. Các giáo viên và cha của Bằng đều rất vui mừng về điều này. Tôi biết là Sư tôn đã cứu đứa trẻ đặc biệt này và tôi vô cùng cảm tạ Ngài.

Cứu cha mẹ học sinh

Lang Lang, một học sinh lớp ba, là con gái của anh họ tôi. Giống như Bằng Bằng, Lang Lang cũng có nhiều vấn đề như không muốn học bài, không chịu ngồi yên trên lớp, và thường xuyên đánh nhau với các bạn khác. Cô bé thức rất khuya, có khi đến tận 1 giờ sáng. Cả hai vợ chồng anh họ tôi đều tốt nghiệp đại học, nhưng họ đều không làm được gì trước sự nổi loạn của cô bé.

Tôi đã nghe kể về tình trạng của họ và đề nghị họ đưa Lang Lang đến nhà trẻ để xem chúng tôi có thể giúp gì được trong kỳ nghỉ hè. Khi tôi gặp mặt Lang Lang, tôi rất ngạc nhiên vì dù còn nhỏ tuổi nhưng cô bé đã tỏ ra bất cần và hung hãn. Khuôn mặt Lang Lang lúc nào cũng thể hiện sự giận dữ. Mẹ cô bé rất lo lắng và nói rằng họ đã đưa cô bé đến nhiều nơi để nhờ giúp đỡ nhưng không có nơi nào Lang Lang có thể ở được lâu.

Cha mẹ của Lang Lang không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Một học viên tại nơi làm việc của mẹ cô bé bị đàn áp, khiến họ không muốn nghe hoặc nói về Pháp Luân Đại Pháp. Vì vậy, đơn giản tôi chỉ nói với họ: “Tôi sẽ cố hết sức để giúp cháu trở thành một đứa trẻ ngoan.”

Sau khi bố mẹ cô bé rời đi, tôi đến nói chuyện với Lang Lang và thấy rằng cô bé chất đầy những lời phàn nàn và oán hận. Cô bé luôn muốn chống lại người khác và nói dối. Tôi lắng nghe một cách chăm chú và kiên nhẫn. Sau khi Lang Lang nói xong, tôi thẳng thắn nói: “Có vẻ như các giáo viên và các bạn học cùng lớp không thích cháu. Cha mẹ cháu cũng trách mắng và đánh cháu. Chúng ta hãy làm sao để mọi người quý mến cháu.” Cô bé gật đầu.

Hôm đó, tôi đã nói chuyện với Lang Lang về các giá trị văn hóa truyền thống và cô bé thực sự rất thích. “Cháu không còn ghét bố nữa, cho dù ông ấy vẫn còn khá khó chịu”, cô bé thừa nhận. Sau đó tôi nói với Lang Lang về một số nguyên lý trong Chuyển Pháp Luân, như Chân – Thiện – Nhẫn, hay “bất thất, bất đắc” cùng với những ví dụ thực tế. Cô bé lắng nghe một lúc và hỏi: “Cô ơi, sao cô biết nhiều thế? Thầy cô giáo và cha mẹ cháu đều chưa từng nói với cháu những điều này.” Tôi nói với cô bé, những điều ấy đều có trong sách Chuyển Pháp Luân, còn có nhiều nguyên lý sâu sắc khác trong cuốn sách này. Tôi hỏi lại: “Cháu có muốn đọc sách không?”

Cô bé có vẻ lo lắng và nói là mẹ sẽ không cho phép điều đó. Mẹ cô bé nói cuốn sách đó không tốt. Tôi giải thích cho cô bé hiểu về Pháp Luân Đại Pháp và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên truyền dối trá như thế nào để phỉ báng Đại Pháp. Sau khi nghe tôi nói về Pháp Luân Đại Pháp được thực hành ở nhiều nước trên thế giới, và các bài giảng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, cô bé rất ngạc nhiên và hỏi lại: “Tất cả điều này có đúng thật không cô?” Tôi nói có và kể cho cô bé nghe nhiều điều hơn. Sau khi trả lời thêm các câu hỏi của cô bé, tôi nói: “Cháu có thể tìm thấy câu trả lời cho tất cả câu hỏi của cháu trong cuốn Chuyển Pháp Luân.”

Ngay tối hôm đó, Lang Lang bắt đầu học Pháp cùng tôi. Cô bé luôn có nhiều câu hỏi. Tôi quả quyết là nếu cô bé đọc nhiều sách Đại Pháp hơn, các câu hỏi đều sẽ có lời giải đáp. Vì vậy, cứ đến buổi tối, chúng tôi đọc sách Chuyển Pháp Luân, trong khi ban ngày, thì đọc các bài giảng khác của Sư phụ. Cô bé rất hứng thú và cùng luyện công với tôi vào giờ trưa. Lúc đó, thiên mục của Lang Lang đã khai mở. Cô bé có thể nhìn thấy Pháp Luân trên mình tôi, điều đó khiến Lang Lang thấy tự tin hơn.

Hai tuần sau đó, Lang Lang đã biết cách hướng nội. Nhờ vậy, cô bé đã tìm thấy chấp trước của bản thân về tâm tật đố, thích chống đối người khác, cuồng nhiệt, khoe khoang, và những tâm chấp trước khác. Sau khi nhận ra những điều ấy, cô bé đã tự buộc mình tuân theo các nguyên lý của Đại Pháp và biết quan tâm đến người khác.

Chưa đến hai tuần sau khi Lang Lang đến nhà tôi, bố mẹ cô bé đến thăm. Khi Lang Lang thấy họ, cô bé đã đến chào hỏi và xin lỗi vì những hành vi không tốt trước đây. Không những thế, cô bé còn khỏe mạnh hơn và biết giúp đỡ việc nhà. Ngoài ra, cô bé đã hoàn thành tất cả các bài tập về nhà vào mùa hè trong vòng chưa đến 10 ngày và ghi nhớ khoảng 900 từ tiếng Anh. Cha mẹ cô bé rất ngạc nhiên. Mẹ cô bé nói rằng: “Trước đây, Lang Lang luôn trong tình trạng nước đến chân mới nhảy. Cháu thức đến khuya và hiếm khi hoàn thành đúng giờ.” Họ hỏi tôi có bí mật gì mà lại có thể mang đến những thay đổi trong thời gian ngắn như vậy. Tôi nói với họ rằng tất cả những điều kỳ diệu này có được là từ cuốn sách Chuyển Pháp Luân.

Tôi nhận ra mẹ của Lang Lang vẫn không hoàn toàn tin tưởng Pháp Luân Đại Pháp, nên đã đề nghị Lang Lang đi dạo cùng bố mẹ. Sau khi họ quay lại, cha mẹ cô bé đã đi về nhà. Lang Lang nói rằng mẹ cô bé không muốn con tiếp tục tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vì nghĩ rằng điều đó có thể ảnh hưởng đến việc học tập của cô bé. Lang Lang đã giải thích cho mẹ hiểu rằng Chuyển Pháp Luân dạy cho con người trở nên tốt hơn và thỉnh cầu người mẹ xem xét lại quyết định này. Mẹ cô bé nói sẽ suy nghĩ về điều đó. “Nếu mẹ nói cháu dừng lại và cháu không tu luyện nữa, thì điều đó sẽ rất tồi tệ cho bà ấy, phải không cô?” Cô bé hỏi tôi. Trước khi tôi trả lời, Lang Lang nói : “Cháu sẽ làm thật tốt để chứng thực Pháp và cứu cha mẹ cháu.” Tôi xúc động đến rơi nước mắt và động viên cô bé.

Ba tuần sau khi cô bé đến sống cùng tôi, Lang Lang nói là đã đến lúc cần phải về nhà và hỏi xem liệu có thể đem theo một cuốn Chuyển Pháp Luân hay không. Dĩ nhiên là tôi đồng ý. Sau đó, cha mẹ cô bé nói rằng Lang Lang đã thay đổi rất nhiều. Cô bé không xả rác trong công viên, không đánh nhau với những đứa trẻ khác, và biết tự chăm sóc cho bản thân. Ngoài ra, cô bé còn đề nghị giúp đỡ cha mẹ công việc nhà.

Chứng kiến những chuyển biến ấy, cha mẹ của Lang Lang đã thay đổi hoàn toàn thái độ đối với Pháp Luân Đại Pháp. Rồi một ngày, mẹ của cô bé đề nghị: “Lang Lang, chúng ta hãy cùng đọc sách Chuyển Pháp Luân.” Sau đó, mẹ của Lang Lang cũng bắt đầu tập các bài công pháp. Cả cha mẹ Lang Lang đều đồng ý thoái xuất khỏi các ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó.

Trong khi viết bài này, mắt tôi rơi lệ bởi tôi hiểu những gì Sư phụ đã làm cho những đứa trẻ này, gia đình chúng, và thế giới này.

Tôi hy vọng rằng các đồng tu có thể chăm sóc tốt cho các học viên nhỏ tuổi quanh chúng ta. Họ là đệ tử của Sư phụ. Trách nhiệm của chúng ta là giúp họ đi tốt trên con đường tu luyện của bản thân.

Một lần nữa con xin cảm tạ Sư tôn!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/11/3/2018/11/14/173251.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/11/5/173137.html

Đăng ngày 01-12-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share