Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại hải ngoại

[MINH HUỆ 07-10-2015] Trong phần mở đầu tại Pháp hội San Francisco năm 2014 Sư phụ đã nhắc tới vấn đề văn hoá đảng, và trông mong chúng ta mau chóng chuyển hướng tư tưởng lại cho chính. Vào khoảng trước năm 2014, tôi giảng chân tướng cho người thường, hiệu quả rất tốt. Hễ nhắc đến tà đảng Trung Cộng là cảm xúc của tôi lại bị kích động, đôi khi, tôi giảng tới mức mặt đỏ tía tai, còn có đôi chút căng thẳng, cảm giác như thiếu máu não, dường như tôi đang đánh nhau với người khác vậy. Mỗi lần nghe tôi giảng chân tướng xong, vợ tôi đều tỏ vẻ vô cùng thất vọng, cô ấy nói rằng tôi cũng không thể kiềm chế bản thân mình. Lúc đó tôi cũng suy ngẫm sâu hơn về việc này, nhưng chỉ cảm thấy tính tôi vẫn thường dễ bị kích động như vậy.

Bắt đầu từ năm 2014, cùng với việc đề cao trong tu luyện và sự thay đổi của hoàn cảnh, hiệu quả giảng chân tướng cũng dần dần tốt hơn lên, số người cứu được cũng ngày càng nhiều hơn. Đặc biệt là giảng chân tướng trực tiếp, tuyệt đại đa số những người nghe chân tướng đều có thể tam thoái một cách thuận lợi. Vợ tôi cũng phát hiện ra rằng, ngữ điệu của tôi khi giảng chân tướng đã khác rất nhiều so với trước kia, càng ngày tôi càng trở nên lý trí hơn.

Tháng 3 năm nay tôi và người nhà cùng bạn bè tổ chức một đoàn tới Đài Loan xem Shen Yun. Một cảm nhận mạnh mẽ trong tôi là tới Đài Loan rồi tôi không dám mở miệng nói nữa, bởi lẽ hễ mở miệng là tôi lại cảm thấy bản thân thật lạ lùng, như một con bệnh vậy. Người Đài Loan nói chuyện rất nhẫn nại, ôn hoà và thân thiện. Còn tôi nói chuyện thường hấp tấp nóng vội, thể hiện rõ sự nôn nóng, phiền toái trong nội tâm, hơn nữa tôi còn dễ nghĩ xấu về người khác. Trong tám ngày ở Đài Loan, tiếp xúc với vài chục người Đài Loan, tôi chỉ phát hiện ra có hai người tính tình nóng nảy hơn tôi.

Tháng 8 năm nay sau khi tới Mỹ, bên cạnh tôi vẫn luôn có đồng tu nhắc tới vấn đề trừ bỏ nhân tố văn hoá đảng, tôi cũng chăm chú lắng nghe. Họ nói rằng ngữ khí, cách thức nói chuyện của người Đại Lục đều đã biến dị rồi, nói rằng văn hoá đảng là một thứ vật chất, là một thể sinh mệnh, cần phải nghiêm túc trừ bỏ nó và đề xuất chúng tôi nhất định phải đọc lại cuốn “Giải thể văn hoá đảng” thật nhiều.

Trong quá trình giảng chân tướng, tôi cũng cảm thấy mình làm được cũng khá. Chiều hôm trước, chúng tôi đã để mắt tới một người đàn ông trung niên, đồng tu A tiến về phía trước giảng chân tướng. Tôi thấy nói chuyện hồi lâu mà đối phương vẫn hỏi: “Rốt cuộc thì các người đang làm gì?” Tôi bèn đi tới giảng giúp. Rất nhanh chóng người đàn ông ấy đã đồng ý tam thoái một cách minh bạch rõ ràng. Lúc này, tôi mới biết đồng tu A và người đàn ông qua đường đó là đồng hương ở Quảng Đông. Tôi thấy ông ấy vẫn còn thời gian nên chuẩn bị giảng thấu đáo cho ông ấy. Chúng tôi nhắc đến cuộc đàn áp học sinh sinh viên ngày 4 tháng 6 năm 1989. Ông ấy tỏ vẻ không đồng tình với ý kiến của tôi, mà nói rằng đàn áp học sinh sinh viên là điều tất yếu. Nhưng ông vẫn bồi thêm một câu rằng ông thấy rất phản cảm với Trung Cộng và cũng nhắc tới trải nghiệm của ông, sinh ra đã phải chịu đói, đi học là phải nghỉ… Tôi bắt đầu giảng tiếp về việc sau năm 1949 Trung Cộng đã bức hại tới chết tám triệu người Trung Quốc như thế nào. Tôi nói rằng Trung Cộng không đồng nghĩa với Trung Quốc và tiến hành phân tích sâu hơn về một vài quan điểm của ông. Nhưng đột nhiên ông ấy tỏ vẻ gắt gỏng, thái độ thay đổi 180 độ, sau cùng ông còn lớn tiếng mắng mỏ chúng tôi đứng đây mắng chửi Trung Quốc. Tôi vội vàng hạ nhiệt, người đàn ông đó nói hai câu rồi bỏ đi. Tôi hỏi đồng tu A, như vậy có thể tính là ông ấy đã tam thoái chưa? Đồng tu A nói: “Chưa”. Toàn bộ câu chuyện này khiến nội tâm tôi rất nặng nề, rốt cuộc tôi phải làm thế nào đây?!

Tôi cảm thấy bản thân mình vẫn còn tồn tại tâm tranh đấu. Mỗi một vấn đề mà đối phương nhắc tới tôi đều chỉnh sửa lại. Nhưng có lẽ điều đó lại khiến cho đối phương cảm thấy tôi cứ “cướp” lời người ta, nên lòng tự tôn của ông đã bị tổn thương. Kỳ thực khi nói tới nhiều vấn đề, có những chuyện hà tất tôi cứ phải ngay lập tức giải quyết cho người ta. Đôi khi vướng mắc vào mỗi một quan điểm hay nhận thức nào đó, mà tôi coi nhẹ mục đích giảng chân tướng cứu người mới là quan trọng nhất, coi nhẹ cảm thụ của đối phương, cũng như coi nhẹ sự phối hợp với đồng tu. Kỳ thực đồng tu A và ông ấy là đồng hương, nếu sau khi đối phương đã đồng ý tam thoái thì giao cho đồng tu A giảng tiếp thì hiệu quả sẽ tốt hơn rất nhiều.

Tôi nghĩ tới đây,thì đồng tu A bước tới nói vừa rồi tôi nói chuyện hơi lớn tiếng, khiến người ta cảm thấy bị áp lực. Đặc biệt là ở đây còn có người qua đường, có thể khiến ông ấy cảm thấy mất mặt. Giọng đồng tu A không cao, nhưng từng chữ đều thấm vào tim tôi. Bởi vì tư tưởng người ta vẫn còn vướng mắc, nhất thời không thể chấp thuận những phân tích và quan điểm của chúng ta, mà mở đầu tôi đã tranh luận với họ, thậm chí còn phản bác lại họ. Nếu vẫn không được tôi sẽ lớn tiếng, nhấn mạnh những thứ con người của mình, để áp chế đối phương. Những thứ này chẳng phải đều là văn hoá đảng hay sao?

Tôi đứng đó và bắt đầu hồi tưởng ngày tôi còn nhỏ cũng đúng vào thời kỳ cuối của Cách mạng Văn hoá. Trên đường người xe đi lại nườm nượp, những chiếc loa to đùng trên xe suốt ngày tuyên truyền hình thế và chính sách của tà đảng. Hoá ra những thứ này tôi đã quen từ nhỏ, lớn tiếng tuyên truyền, cưỡng chế tẩy não, đó chẳng phải là cách làm nhất quán của tà đảng hay sao? Cách thức tranh đấu này cũng rất dễ kích động những thứ xấu trong tâm mỗi người! Từ đó người ta sẽ mất đi lý trí mà một người bình thường nên có.

Tôi muốn giảng thấu đáo cho đối phương, điều này không sai. Nhưng những nhân tố văn hoá đảng của bản thân mới là nguyên nhân then chốt khiến tôi không làm tốt việc này.

Giảng chân tướng không hề dễ dàng. Đứng trên cơ điểm của “Cửu Bình”, muốn cứu một người thường bị đầu độc rất sâu, chúng ta phải có yêu cầu nghiêm khắc với bản thân mình. Hễ không thể cứu được, thì rất khó nói rằng sau này họ còn có cơ hội khác nữa hay không. Sư phụ giảng:

“Nhất là đệ tử Đại Pháp, từng ý từng niệm của chư vị đang quyết định sự tồn tại hay không tồn tại của rất nhiều sinh mệnh, chư vị thực hiện ra sao, làm được tốt việc này, làm không tốt việc kia thì sẽ quyết định tồn tại hay không tồn tại tương lai của họ.” (Giảng Pháp tại New York 2015)

Tiếp đó tôi điều chỉnh lại ngữ khí và âm lượng của mình, tiếp tục kể về sự tốt đẹp của Đại Pháp cho từng khách bộ hành. Đồng tu A phát hiện ra tôi đã thay đổi, bèn bước tới nói với tôi: “Bây giờ ngữ khí của anh rất tốt, trước kia anh thường tỏ rõ sự áp đặt.” Tôi từng làm giám đốc và quan chức cấp cao ở Đại Lục, nên hiểu rất sâu sắc hàm nghĩa của hai từ áp đặt. Những người quản lý tại Đại Lục hiện giờ rất nhiều người đều rất áp đặt như nào là người đàn ông mạnh mẽ, người phụ nữ mạnh mẽ, các kiểu chuyên chế không phục. Dẫu trên bề mặt dường như có thể thấy được hiệu quả ngay lập tức nhưng áp đặt người khác phải khuất phục sẽ không thực sự khiến người ta tin tưởng, bội phục. Rất nhiều người còn coi đây là tố chất cần có, thậm chí là một khí chất tốt đẹp. Nhưng là người tu luyện mà xét, điều chúng ta cần chính là sự bình hoà trong nội tâm, sự rõ ràng và kiên định với các Pháp lý. Trên bề mặt thứ giành được là thứ của con người, trừ bỏ đi những nhân tố biến dị này người tu luyện mới có thể thực sự đề cao. Trước kia tôi mang theo sự áp đặt trong mình, trong môi trường xã hội bình thường của Mỹ điều này chỉ thể hiện ra điều rất không hài hoà mà thôi.

Ngẫm lại bản thân tôi cũng vẫn còn tâm hiển thị. Bởi lẽ thường giảng chân tướng nên càng giảng càng thành thục. Mỗi vấn đề đối phương nói ra tôi đều chuẩn bị như súng đã lên nòng, mọi vấn đề đều đã được học thuộc sẵn. Hơn nữa tâm hiển thị hễ xuất ra thì sẽ chú trọng quá mức tới cách biểu đạt của bản thân mạch lạc lưu loát như thế nào, chứ không phải là tĩnh lặng tìm kiếm và tháo mở nút thắt trong tâm của người ta. Đôi khi giảng chân tướng xong, tôi lại thầm đắc ý vì bản thân vừa diễn giảng xong một bài chia sẻ hào hùng đầy khí phách. Trong cuộc sống ngày nay, mọi người thường coi việc nói năng ngọn ngành tường tận là biểu hiện của phản ứng nhanh nhạy và thông minh tài trí hơn người của bản thân, thường cảm thấy mình cao hơn người khác một bậc, mạnh hơn người khác, sau đó trong tâm còn dương dương đắc ý.

Trong cuốn “Giải thể Văn hoá đảng” còn có một chi tiết là “Trong lời nói mang theo ý thức tranh đấu”, trong đó có nhắc tới rất nhiều từ ngữ mang tính tranh đấu, tôi phát hiện ra trong số đó có vài câu tôi thường nói với vợ mình. Hành vi cử chỉ của người Trung Quốc trong văn hoá truyền thống thường nho nhã, thái độ khiêm nhường và tôn trọng cảm thụ của đối phương. Người quân tử kính cẩn mà không thất lễ, cung kính mà hành lễ với người.

Văn hoá đảng là một thứ vật chất, là một thể sinh mệnh. Chúng ta thực sự cần học hỏi nhiều hơn, phát chính niệm nhiều hơn, quy chính lại tư tưởng và hành vi của bản thân mình.

Trên đây là chút nhận thức nông cạn của cá nhân tôi, những chỗ thiếu sót, thành khẩn mong đồng tu chỉ giúp.


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2015/10/7/317160.html

Đăng ngày 30-11-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share