Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Thiên Tân, Trung Quốc

[MINH HUỆ [7-11-2018] Trước đây, mỗi lần có thông báo trên Minh Huệ kêu gọi các học viên ở Trung Quốc Đại lục viết bài cho Pháp hội Trung Quốc trên Minh Huệ, tôi đều có suy nghĩ rằng chỉ những người tu luyện tốt mới có thể chia sẻ thể ngộ của mình. Tôi không xem bản thân là một người tu luyện tốt, có nhận thức Pháp tốt và nghĩ rằng không có gì để chia sẻ. Tuy nhiên, trong Pháp hội năm nay, các đồng tu đã khích lệ tôi viết bài. Tôi quyết định chia sẻ thể ngộ về cách tôi đã hướng nội và khai sáng một hoàn cảnh xung quanh tốt đẹp như thế nào.

Năm 1998, tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Trước đó, tôi nóng tính, không chịu thua thiệt và không thể khoan dung trước những thiếu sót của người khác. Vì vậy, tôi thường nảy sinh mâu thuẫn với mọi người. Đôi khi, tôi rất phiền não về tính nóng nảy của mình. Tôi nghe nói các học viên Pháp Luân Công không bao giờ nóng giận, nên đã quyết định tu luyện [pháp môn này], mong môn tu luyện sẽ giúp tôi kiểm soát được tính khí của mình. Sư phụ từ bi luôn bảo hộ tôi khi tôi tiến bước trên con đường tu luyện. Tôi ngộ ra rằng tu bản thân được càng nhiều, thì đường tu luyện càng rộng.

Tôi là người đơn giản và chưa bao giờ ngộ được các Pháp lý cao thâm. Tôi chỉ đơn giản chiểu theo những gì Sư phụ dạy. Sư phụ giảng:

“Hãy dùng lý trí để chứng thực Pháp, dùng trí huệ để giảng rõ chân tướng, dùng từ bi để hồng Pháp và cứu độ thế nhân” (Lý tínhTinh tấn yếu chỉ II)

Vì thế tôi xem việc tu xuất tâm từ bi và làm ba việc là những việc rất quan trọng phải làm. Sư phụ giảng:

“Là người tu luyện, ‘tìm bên trong’ là một Pháp bảo.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế Washington DC năm 2009)

Do đó, tôi nhìn vào ưu điểm của người khác. Bất cứ khi nào bị động tâm và cảm thấy không thoải mái về chuyện gì, tôi suy ngẫm về bản thân, xem chấp trước nào khiến mình bị lay động. Mỗi khi hướng nội, tôi thấy hoàn cảnh xung quanh được cải biến.

Hướng nội trong hoàn cảnh gia đình, con đường tu luyện càng đi càng rộng

Trong hai năm đầu của cuộc bức hại, tôi tới Bắc Kinh hai lần để thỉnh nguyện cho Đại Pháp và bị giam giữ phi pháp ở đồn cảnh sát địa phương. Khi trở về nhà, chồng tôi sợ tôi sẽ lại bị bức hại, vì vậy anh giám sát tôi chặt chẽ. Thỉnh thoảng chúng tôi cãi vã và khi tôi càng tranh cãi thì anh càng hung dữ hơn. Sau đó tôi giữ im lặng, nên chúng tôi không cãi vã nữa. Tôi nhận ra tâm tranh đấu mạnh mẽ của mình. Khi hoàn cảnh tương tự phát sinh, tôi giữ được bình tĩnh. Do đó, quan hệ giữa chúng tôi được cải thiện. Khi tôi giảng chân tướng cho người ngoài trước mặt anh, anh không can thiệp, và đôi khi anh thậm chí còn ngâm nga một vài bài hát do các đệ tử Đại Pháp sáng tác.

Tôi và mẹ chồng cùng là học viên. Bà bị bức hại ở trại lao động cưỡng bức và khi trở về, bà không thể buông bỏ tâm sợ hãi mạnh mẽ. Cuối năm 2007, bà qua đời. Bà bị bệnh trong bốn năm và đã trải qua một lần phẫu thuật mở ngực. Trong những năm bà bị ốm, tôi chăm sóc bà thậm chí còn chu đáo hơn hai con gái ruột của bà. Tôi tắm rửa cho bà, dọn phân và nước tiểu cho bà mà không kêu than một lời. Thông thường, tôi học Pháp cùng bà; khi bà thấy khỏe hơn, tôi cùng bà luyện công và đỡ bà khi hai mẹ con đi tặng tài liệu chân tướng Đại Pháp trong khu dân cư.

Sau cái chết của mẹ chồng, bố chồng tôi khăng khăng đòi cưới một phụ nữ rất trẻ và mua một căn nhà cho cô ấy. Ông đưa tất cả số tiền mấy nghìn nhân dân tệ lương hưu cho cô. Đoạn thời gian đó, tâm trí tôi trong trạng thái rối loạn. Thái độ của tôi đối với bố chồng lập tức chuyển từ tôn trọng sang oán hận. Tôi dành nhiều thời gian hơn để học Pháp và tìm chấp trước. Tôi nhận ra chấp trước vào lợi ích của bản thân. Bố chồng đã đưa tất cả tiền ông có cho người vợ mới và không để lại gì cho vợ chồng tôi. Tôi thấy tật đố vì bố chồng không còn yêu thương con trai tôi nữa. Tôi thấy mất mặt khi ông lấy một phụ nữ trẻ. Mặc dù ông có ấn tượng tốt về Đại Pháp, nhưng ông không phải là một học viên. Sau đó, tôi hiểu ra mình không nên kỳ vọng ông tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức của một đệ tử Đại Pháp. Tôi nên thông cảm cho ông. Vì vậy, vào các ngày lễ tết, tôi đến thăm ông, mua quần áo biếu ông và vợ ông, và thậm chí chi tiền cho ông đi du lịch. Tôi thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe của ông và ông rất cảm động. Ông đã chủ động thoái Đảng.

Hướng nội trong môi trường công việc, mọi thứ chuyển biến thành tốt

Tôi làm việc tại một bệnh viện. Các học viên Pháp Luân Công ở nơi tôi làm việc đã bị bức hại nặng nề. Nhiều nhân viên xem các thông tin do Đảng Cộng sản tuyên truyền và đã hiểu sai về Pháp Luân Công ở các mức độ khác nhau. Mấy năm qua, thông qua nỗ lực không ngừng nghỉ giảng chân tướng, hầu hết nhân viên ở đó bây giờ đều biết Đại Pháp là tốt và đã thoái Đảng.

Ban đầu, tôi thấy rằng cách hành xử của mình sẽ thể hiện ra hình ảnh của một đệ tử Đại Pháp, vì vậy tôi làm việc chăm chỉ, làm những công việc bẩn thỉu, mệt nhọc. Mỗi khi kết thúc công việc, tôi luôn hy vọng rằng lãnh đạo sẽ thấy tôi chăm chỉ như thế nào. Thế nhưng chỉ có vài lần là họ thấy những việc tôi làm. Do đó tôi khá buồn.

Một lần, một người nhà của một bệnh nhân mới nhập viện quát tháo tôi vô lý. Tôi rất bực tức và đã xếp cô ấy vào một phòng bệnh nhiều người. Tối hôm đó tôi đến một nhóm học Pháp và qua chia sẻ thể ngộ, tôi phát hiện ra mình có tâm báo thù, vì bản thân bị đối xử bất công.

Năm 2007, có một đoạn thời gian các bác sĩ kê đơn thuốc vô trách nhiệm, chỉ quan tâm làm sao được lợi hơn. Tôi động tâm và coi thường họ. Những người này đều là đối tượng mà các đệ tử Đại Pháp nên cứu. Sao tôi có thể coi thường họ? Do nghĩ xấu về họ, nên tôi thực sự đang đẩy họ ra. Từ Pháp tôi hiểu rằng bất cứ khi nào đệ tử Đại Pháp có mâu thuẫn với người thường, chắc chắn là các đệ tử Đại Pháp đã sai. Tôi thay đổi thái độ và lặng lẽ làm tốt việc của mình. Tôi lấy tâm từ bi đối đãi với mọi người. Các đồng nghiệp thấy vậy và hiểu Đại Pháp là tốt. Gần như tất cả mọi người đều đã thoái Đảng.

Đầu năm 2010, tôi chuyển đến một bộ phận có yêu cầu khắt khe về công việc. Tôi thực sự rất không thoải mái về sự thay đổi này vì tôi sợ chịu khổ. Tuy nhiên, tôi có chính niệm: Tôi chỉ đi theo an bài của Sư phụ và giảng chân tướng cho các bệnh nhân mà tôi tiếp xúc. Trong ca đêm, bất cứ khi nào có bệnh nhân, tôi sẽ giảng chân tướng cho họ. Khi không có bệnh nhân, tôi sẽ học Pháp, luyện công và phát chính niệm. Các đồng nghiệp làm cùng ca đều ngưỡng mộ tôi. Họ nhận xét: “Nhìn những người tu Đại Pháp xem. Họ có Sư phụ của họ bảo hộ. Cô ấy là người làm ca đêm thoải mái nhất.” Bây giờ, bất cứ khi nào người quen đến điều trị y tế, đồng nghiệp của tôi đều đưa vài học viên đến và giảng chân tướng về Đại Pháp cho họ.

Ở nơi làm việc của tôi, có được hoàn cảnh tốt [cho việc giảng chân tướng] là nhờ vào nỗ lực phối hợp của một số học viên. Tôi cũng phối hợp tốt với các đồng tu ở nơi làm việc của mình. Nếu có học viên đang giảng chân tướng cho một bệnh nhân, thì học viên khác thường sẽ phát chính niệm hoặc đóng vai một người thứ ba thuyết phục bệnh nhân thoái Đảng. Cuối cùng, thường là bệnh nhân quyết định thoái Đảng.

Vì làm ca đêm nên ban ngày tôi có nhiều thời gian hơn. Do đó, tôi thường tới các nhà tù và trại lao động [cưỡng bức] ở khu vực lân cận để phát chính niệm. Đôi khi, tôi cảm thấy không thoải mái khi làm việc này một mình trong khoảng thời gian dài và hy vọng rằng các học viên khác có thể tham gia cùng. Tôi nhớ lại lời Sư phụ giảng:

“Tất cả các đệ tử tham dự tĩnh toạ trước đại sứ quán Trung Quốc đều xuất sắc; mọi người rất vất vả.” (Lời bình của Sư phụ trong bài viết “Một số ý kiến thảo luận của các học viên tham dự «tĩnh toạ thỉnh nguyện» trước đại sứ quán”)

Tôi dùng chính niệm khích lệ bản thân. Tôi là người siêu thường. Hơn nữa tôi phải tu chính mình. Tại sao tôi phải nhìn vào người khác? Khi mùa đông quá lạnh, đôi khi tôi lười biếng và không tới các nhà tù để phát chính niệm. Tôi tự nhủ: “Trời quá lạnh. Nếu mình có xe ô tô và biết lái xe, mình có thể chở theo mấy học viên có tuổi và ngồi trong xe phát chính niệm.” Tôi có nguyện vọng này và Sư phụ đã giúp tôi. Tôi nhanh chóng học lái xe và mua được một chiếc xe ô tô. Hết thảy điều này đều là Sư phụ an bài.

Trên đây là thể ngộ và trải nghiệm về hướng nội của tôi. Xin vui lòng chỉ ra bất cứ điều gì không phù hợp.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2010/11/7/232084.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2010/11/13/121396.html

Đăng ngày 11-11-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share