Bài viết của Dương Phàm, một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trường Xuân, Trung Quốc

[MINH HUỆ 11-9-2018] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp trước năm 1999. Trước khi đắc Pháp, cả ngày trong đầu tôi chỉ nghĩ đến việc hưởng thụ như thế nào, ăn gì ngon, chơi gì vui. Tính tình tôi còn rất nóng nảy. Chồng tôi thường than phiền với chị gái tôi về việc tôi hay gây lộn với chồng, vớ được gì là ném thứ đó, thậm chí có lúc còn cầm dao liều mạng với anh ấy. Kỳ thực, sau mỗi lần đánh lộn với chồng, thân và tâm tôi cũng mệt mỏi rã rời, cảm thấy cuộc sống thật chán chường.

Một lần, tôi đến nhà chị gái và thấy chị đang lắng nghe bài giảng Pháp của Sư phụ từ máy ghi âm. Chị tôi ngồi đơn bàn, chân kê lên rất cao, dù đau chân nhưng chị vẫn cắn răng chịu đựng. Chị đưa tôi cuốn Chuyển Pháp Luân và nói: “Em đọc một chút xem có thể tiếp thu được hay không?”

Tôi gật đầu và mở cuốn sách ra, tôi liền đọc được đoạn Pháp sau của Sư phụ:

“Thời tôi tu luyện trong quá khứ, có rất nhiều cao nhân đã giảng cho tôi câu này, họ nói: “Nan Nhẫn năng Nhẫn, nan hành năng hành”. Thực ra đúng là như vậy. Nếu không ngại gì thì khi về nhà chư vị hãy thử đi. Khi gặp khó khăn kiếp nạn, hoặc khi vượt quan, chư vị hãy thử xem: khó Nhẫn, chư vị hãy cứ Nhẫn xem sao; thấy thật khó làm, nói là khó làm, chư vị cứ làm xem cuối cùng có làm được chăng. Nếu chư vị có thể thật sự thực hiện được như vậy, thì chư vị sẽ phát hiện rằng ‘liễu ám hoa minh hựu nhất thôn’!” (Chuyển Pháp Luân)

Lúc ấy, những lời giảng của Sư phụ khiến tâm tôi rất xúc động.

Vài ngày sau, chỉ vì một chuyện nhỏ mà chồng tôi quát tôi ầm lên ngay trước mặt mẹ chồng và em trai chồng. Lúc đó, tôi cảm giác có một chữ “Nhẫn” từ trên đỉnh đầu áp xuống tim mình, cảm thấy rất thoải mái dễ chịu. Tôi biết chồng đang lớn tiếng với mình, nhưng tâm tôi lại rất bình tĩnh, như thể anh ấy đang la mắng ai đó chứ không phải là tôi. Nếu là trước kia, chắc chắn tôi đã lớn tiếng cãi lại, hoặc đánh nhau với anh ấy. Khi chồng thấy tôi có thể nhẫn nhịn như vậy, anh ấy không những đã xin lỗi tôi, mà còn không ngừng khen ngợi tôi nữa.

Đột nhiên tôi cảm thụ được sự mỹ diệu của “Nhẫn”, tôi liền nhanh chóng mượn chị tôi cuốn Chuyển Pháp Luân để mang về nhà đọc. Thông qua không ngừng học Pháp luyện công, tôi đã thực sự thoát thai hoán cốt, tính cách không còn nóng nảy nữa. Mẹ chồng tôi đã nói: “Uy lực của Đại Pháp thật quá lớn, có thể khiến tính tình của con trở nên tốt như thế này, thực sự là không thể tưởng tượng được. Mẹ đã từng nghĩ sớm muộn gì hai vợ chồng con cũng sẽ ly hôn. Mẹ nên tạ ơn Sư phụ Lý.” Chồng tôi cũng trải qua những thay đổi tích cực, anh ấy luôn vui vẻ cười nói, tính nóng nảy đã cải biến rất nhiều.

Gần đây có một sự việc khiến tôi càng thể ngộ được rằng, là người tu luyện, chúng ta cần đo lường mọi suy nghĩ và hành vi của mình dựa trên Pháp; chỉ có như vậy mới có thể thực sự từ bi và bao dung với người khác.

Mẹ chồng tôi có một thói quen xấu, đó là đến nhà ai cũng lục lọi đồ đạc. Nhân lúc họ không chú ý, nếu bà không trộm tiền thì cũng lấy đồ này hay đồ kia. Con cái trong nhà đều biết, nhưng không muốn nói ra. Do vậy, những người con khác thường rất ít khi mời bà tới chơi mỗi dịp lễ Tết. Tuy nhiên, tôi thường chủ động mời bà tới nhà vào những ngày nghỉ lễ hoặc ngày Tết. Tôi đối xử với bà rất tốt. Bà thường nói với mọi người: “Con dâu cả của tôi còn thân thiết và thương tôi hơn con gái ruột.”

Ngày 15 tháng Giêng năm nay, tôi nhắc chồng mời mẹ chồng tới nhà chúng tôi chơi vài ngày. Lúc đầu chồng tôi không đồng ý; tôi nói với anh ấy: “Ngày 15 là Tết Nguyên tiêu, mẹ ở nhà một mình cô đơn, trong lòng chắc sẽ buồn lắm. Phận làm con chúng mình không thể đối xử với mẹ như thế. Đây không phải hiếu thuận sao? Ai rồi cũng đến lúc già yếu. Anh gọi điện thoại mời mẹ đến nhà mình đi.”

Mẹ chồng tôi đã tới. Tôi để ý thấy bà lấy vài món đồ của con trai tôi giữa ban ngày. Bất ngờ hơn nữa, bà còn lấy cả 100 Nhân dân tệ duy nhất mà tôi để trong túi áo. Tôi nghĩ: “Mình vốn đối xử với bà tốt như thế, bà đã đọc tài liệu giảng chân tướng, cũng đã làm tam thoái; đi ngoài đường nếu thấy tài liệu chân tướng Đại Pháp dán không phẳng phiu, bà còn vuốt lại cho ngay ngắn. Thế nên mình cứ tưởng bà sẽ không đối xử với mình như vậy.” Lúc ấy trong tâm tôi vô cùng bất bình, thậm chí tôi không muốn nhìn thấy bà nữa. Tôi nghĩ: “Không ai muốn mời bà tới nhà, nhưng mình đã tốt bụng mời bà tới, sao bà lại không biết phân biệt tốt xấu? Sau này mình cũng hạn chế hết mức việc mời bà tới chơi.”

Mấy ngày đó trong tâm tôi cảm thấy rất khó chịu. Tôi không biết nên xử lý tình huống đó như thế nào, vì vậy tôi không ngừng học Pháp.

Sư phụ giảng:

“Nếu như chúng ta thật sự xuất hiện phiền phức, xem ra thì như là người khác bất công với mình, tôi nghĩ làm một người tu luyện, rất có thể là đời trước chư vị nợ người ta, nhẫn nhẫn một chút cho qua là xong.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Thụy Sỹ [1998])

Sư phụ cũng giảng:

“những người tu luyện chúng ta giảng ‘tuỳ kỳ tự nhiên’; cái gì của chư vị thì sẽ không mất, cái gì không của chư vị thì chư vị [dù có] tranh [giành] cũng không được. Tất nhiên cũng không tuyệt đối. Nếu tuyệt đối đến vậy, thì không tồn tại vấn đề con người làm điều xấu, vậy nghĩa là nó cũng còn tồn tại một số nhân tố bất ổn định. Tuy nhiên chúng ta là người luyện công, thì về lý là do Pháp thân của Sư phụ quản; người khác có muốn lấy thứ gì của chư vị thì cũng không lấy được. Do đó chúng ta giảng ‘tuỳ kỳ tự nhiên’; có lúc chư vị thấy rằng thứ ấy là [của] chư vị, người ta cũng nói với chư vị rằng thứ ấy là [của] chư vị; kỳ thực nó không phải [của] chư vị. Chư vị có thể cho rằng đó là của mình, [nhưng] rốt cuộc nó lại không phải của chư vị; qua đó thấy được rằng đối với sự việc này chư vị có thể vứt bỏ được không; vứt bỏ không được thì chính là tâm chấp trước; chính là dùng cách này để chư vị vứt bỏ tâm [chấp trước] vào lợi ích ấy; chính là vấn đề này.” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Sau khi minh bạch được Pháp lý này, tôi lại cân nhắc sự việc trên một lần nữa. Có lẽ kiếp trước tôi đã từng đối xử với mẹ chồng như thế, nên hôm nay tôi phải trả món nợ này. Đây chẳng phải là điều tốt sao? Sự việc này còn khiến tôi nhận ra rất nhiều nhân tâm của bản thân như tâm tật đố, tâm tức giận, tâm tranh đấu, tâm oán trách, và cả tâm trả thù nữa.

Là một người tu luyện, khi nhìn thấy hành vi đó của mẹ chồng, chẳng phải tôi cũng cần xét lại bản thân xem mình có những hành vi đó hay không? Tôi hướng nội và nhận ra rằng chính tôi cũng có; mặc dù tôi không lén lấy trộm thứ gì, nhưng khi tới nhà người khác, do hiếu kỳ nên thỉnh thoảng tôi cũng sờ mó các món đồ của họ. Tôi còn lén đọc nhật ký của con gái bởi vì tôi sợ cháu yêu sớm. Những hành động này không khác gì hành vi của mẹ chồng tôi. Mẹ chồng chính là một tấm gương để tôi nhìn thấy các thiếu sót của bản thân mình.

Sau khi nhận ra điều này, trong lòng tôi tràn đầy niềm cảm ân đối với Sư phụ và Đại Pháp. Cảm tạ Sư phụ và Đại Pháp đã giúp tôi minh bạch được thế nào là từ bi và bao dung thực sự, giúp tôi hiểu được những Pháp lý mà người thường không thể lý giải. Tôi không còn oán trách mẹ chồng tôi nữa. Chúng tôi lại tiếp tục sống vui vẻ và hòa thuận như trước kia.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/9/11/373652.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/10/12/172815.html

Đăng ngày 30-10-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share