Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại New York

[MINH HUỆ 2-10-2018] Kính chào Sư phụ! Kính chào các đồng tu!

Khi có người hỏi tôi: “Bạn từ đâu đến?” đó luôn là một trong những câu hỏi mà khó trả lời nhất đối với tôi.

Hồi còn nhỏ, tôi lớn lên ở hai đất nước, cứ năm năm lại đi đi về về một lần. Đến lúc lớn, tôi sống ở một đất nước thứ ba được hơn một năm rồi lại sang định cư ở đất nước thứ tư trong 13 năm. Khi có ai hỏi tôi coi đất nước hoặc thành phố nào là nhà của mình, tôi không biết nên trả lời ra sao. Sự thực là, bất kể tôi đã từng sống ở đâu, tôi luôn cảm thấy xa lạ và có phần cô độc. Cảm giác cô độc của con người là một trong những chấp trước lớn mà tôi phải xả bỏ đi hết lần này đến lần khác.

Tôi sẽ không thể nào quên lần đầu tiên cầm cuốn sách Chuyển Pháp Luân, khi một người bạn tặng tôi vào năm 2000. Ngay khi đó, tôi đã hiểu ra “nhà” thực sự nghĩa là gì và nó đã khắc sâu trong tôi. Tôi thấy phấn chấn và vô cùng biết ơn. Nhưng chẳng bao lâu sau tiếng sét ban đầu khiến tôi giác ngộ ấy, tôi bắt đầu hoài nghi.

Sau khi đọc xong cuốn Chuyển Pháp Luân lần đầu, tôi đã không chắc mình có đủ tiêu chuẩn để trở thành một học viên hay không. Tôi tự hỏi: “Có phải đây đúng là con đường tôi nên tiếp tục đi không? Tôi có thật sự đủ tố chất để trở thành một học viên không? Tâm tính nghĩa là gì?” Sau đó, tôi đã tự nhủ: “Tôi nên đọc lại cuốn sách một lần nữa để hiểu rõ hơn.” Vì vậy, tôi đã đọc lại cuốn sách. Sau khi đọc lại lần thứ hai, tôi vẫn còn hồ nghi. Khi tôi bị ốm lên ốm xuống gần cả tháng trời, tôi lại muốn đọc đi đọc lại cuốn sách, mà lúc đó, không nhận ra rằng đọc đi đọc lại cuốn Chuyển Pháp Luân chính là quá trình tu luyện. Tôi luyện các bài Công Pháp tầm tám tháng sau đó. Tôi đã mất khoảng một năm mới quyết định được rằng mình thực sự muốn trở thành một đệ tử Đại Pháp.

Tôi kiên trì tham gia các hạng mục giảng chân tướng cả ngắn hạn và dài hạn, từ tham gia phát chính niệm phía trước Lãnh sự quán Trung Quốc đến biên tập các báo cáo về các trường hợp học viên bị tra tấn để trình lên các tổ chức quốc tế, giảng chân tướng cho các quan chức chính phủ, các đại sứ, các tổ chức phi chính phủ và các bác sỹ đến từ nhiều nước, hát trong dàn hợp xướng châu Âu “Đến đây vì bạn”, làm việc bán thời gian cho NTD ở Vienna (Viên), rồi làm việc toàn thời gian ở New York, ở đó, tôi còn sản xuất một video dài tám phút để phơi bày sự thật về nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc, sau đó làm biên tập viên toàn thời gian cho thời báo Epoch Times tiếng Anh, và bây giờ là người viết bài cho chuyên mục nghệ thuật của Epoch Times.

Giờ đã hơn 18 năm, tôi không còn băn khoăn là mình có coi bản thân là một đệ tử Đại Pháp hay không. Thay vào đó, tôi tự hỏi mình những câu hỏi khác, ví dụ như: “Tôi đã ở trong Pháp chưa? Tôi có đang đi theo an bài của Sư phụ không? Ý niệm này hoặc ý niệm kia là quan niệm, chấp trước hay là ý niệm đến từ chính bản thân tôi? Tôi đang chứng thực bản thân hay đang chứng thực Pháp? Tôi có hoàn thành thệ ước của mình không? Tôi có đang thực sự cứu độ chúng sinh không? Làm thế nào để tôi có thể cứu độ chúng sinh tốt nhất trong trường hợp này?” Cứ như thế, tôi hình dung rằng, trên con đường tu luyện từ nay về sau, tôi sẽ không phải tự hỏi những câu hỏi đó thêm lần nào nữa, bởi vì con đường ấy đã hòa vào mọi thứ tôi nghĩ và làm.

Khi tu luyện của tôi trải qua những thăng trầm, tôi hiểu rằng khi vấp ngã, tôi nên nhanh chóng đứng dậy và tiếp tục tiến về phía trước—bất kể có gặp bất kỳ vấn đề gì. Song mấy năm gần đây, cũng có lúc tôi vấp phải những trở ngại ngoan cố—cái gì đó không rõ ràng lắm. Nhiều chấp trước như sợ hãi, tật đố, sắc dục, tình và mong muốn được công nhận—tôi cứ tưởng mình đã tu bỏ hết những chấp trước này—lại nổi lên dưới cái vỏ bọc mới. Tôi cũng đạt tới trạng thái không còn cảm thấy hoan hỷ hay sốt sắng về bất kể điều gì. Tôi không tin mọi người và cảm thấy đặc biệt nhạy cảm với mọi sự giả tạo hay những gì khiến tôi cảm thấy bị cô lập. Gần như lúc nào tôi cũng thấy kiệt sức, chẳng có động lực gì. Tôi thấy giọng nói của mình như phát ra từ bên ngoài thân thể tôi vậy, như âm thanh phát ra khi nói qua micro vậy. Tôi trở nên quá mẫn cảm với tiếng ồn và tiếng động lớn. Tôi cứ như bị tách khỏi niềm tin và thệ ước không thể bị phá vỡ mà tôi từng tin vốn là căn nguyên đã đưa tôi tới đây, vào thời khắc lịch sử này.

Theo quan điểm của một người thường, điều đó cho thấy tôi bị tiêu trầm, đó là cách giải thích nông cạn cho trạng thái này. Sau cùng, tôi đã trải qua hết thất bại này tới thất bại khác, trong đó có nhiều thất bại nhỏ nữa, trải qua một số thay đổi “đầy kịch tính’: Tôi ly dị sau 12 năm chung sống với một người không phải là một học viên, tôi quay lại Mỹ vào năm 2011 và phải thích nghi lại với nền văn hóa Mỹ, tôi nhân thêm nhiệm vụ ở NTD ở vị trí Giám đốc Kênh Tin tức Tiếng Anh. Một năm sau đó, năm 2012, cha tôi qua đời. Cùng thời gian đó, NTD trải qua những thay đổi về cơ cấu. Tôi đã cố gắng quản lý một nhóm gần như sắp hết khả năng chịu được cường độ làm việc 12 tới 14 tiếng mỗi ngày ở đây, và sẵn sàng bỏ đi bất cứ giây phút nào. Tôi đảm nhiệm nhiều vị trí nhưng hầu như không làm việc gì ra hồn cả. Toàn bộ số tiền tiết kiệm của tôi cũng đã cạn kiệt và tôi bắt đầu vay nợ. Thêm vào đó, tôi lại trải qua một khảo nghiệm sinh tử.

Tât nhiên, tất cả những gì gọi là những thay đổi ‘kịch tính’ này cũng chẳng là gì nếu so với bất cứ học viên nào đang chịu tra tấn và bức hại ở Trung Quốc. Ngoài ra, chẳng phải tôi cần phải vượt qua mọi trở ngại đó càng nhanh càng tốt để giảng chân tướng tốt hơn và cứu độ được nhiều chúng sinh hơn sao? Tôi nghĩ như vậy. Nên dù rằng, về lý thuyết, tôi hiểu được như thế, nhưng để làm được trong thực tế vẫn khó hơn nhiều. Nhưng dù những khảo nghiệm này, lúc đó, có khó đến thế nào đi nữa, thì khi vượt qua khảo nghiệm đó và đề cao lên, nhìn lại thì chúng cũng chẳng là gì. Vì vậy, tôi cứ trải qua quá trình này, cuối cùng cũng là tôi đang tu luyện cơ mà.

Có mấy người đã chỉ ra cho tôi một chấp trước căn bản mà tôi đã không hoàn toàn nhận ra được. Nó thể hiện ra trong vài tình huống. Chẳng hạn, nếu tôi bị ngắt lời khi đang nói chuyện, tôi sẽ lập tức suy diễn là đối phương không muốn nghe tôi nói hay tham gia vào câu chuyện. Không hiểu sao, tôi cảm thấy mình như người vô hình. Cũng có lúc tôi nói điều gì đó không liên quan, hay kể chuyện về bản thân tôi từ hồi xưa, như để tìm kiếm sự liên hệ hay để được công nhận gì đó. Cũng có lúc tôi vùi đầu vào công việc hàng giờ đồng hồ, coi rằng thế là tốt thay vì ưu tiên thời gian để làm tốt ba việc. Tôi đã cố gắng trốn tránh nỗi đau phải đối diện với chính mình. Tôi cố gắng lấp đầy cảm giác trống rỗng một cách sai lầm, theo cách của người thường.

Tôi phát hiện ra sự trống rỗng đó là hàng loạt các quan niệm liên quan đến chấp trước sợ hãi, sợ phải diễn vai của mình trên sân khấu chính mà các học viên cùng diễn để cứu độ chúng sinh. Tôi sợ những người khác sẽ ghen tỵ, tật đố với tôi. Tôi cảm thấy bị đẩy ra vì tôi chưa chân chính. Tôi đang lừa dối chính mình, tôi lại giả bộ rằng tôi không còn khả năng làm gì hiệu quả vì tất cả những gì gọi là thay đổi kịch tính mà tôi chưa hoàn toàn vượt qua được ấy, hay vì tôi còn chấp trước căn bản nào đó. Đó không phải là tôi chân chính. Tất cả những thứ đó là chấp trước vào tự ngã từng khiến tôi chật vật để loại bỏ. Đương nhiên, khi tôi không học Pháp và luyện công đầy đủ, những quan niệm đó lại càng mạnh hơn.

Cựu thế lực đã lợi dụng lỗ hổng đó khi tôi đang sản xuất loạt bài về nạn thu hoạch nội tạng cho NTD. Đó là loạt thứ ba trong chương trình mà các đồng tu gọi là “video 8 phút”. Sau nguyên một ngày gọi điện cho các hãng truyền thông chính, tôi bị đau nửa đầu nghiêm trọng, càng lúc càng đau. Tưởng chừng đầu tôi như cái nồi áp suất chuẩn bị nổ tung. Cơn đau dữ dội đến mức tôi thật sự sợ đầu mình bị nổ tung. Lúc đi vệ sinh, một người bảo tôi rằng trông tôi “ghê” quá. Tôi bật khóc. Cô ấy gợi ý tôi ra nằm nghỉ ở một cái giường dành cho phóng viên hiện trường làm việc qua đêm. Tôi nằm xuống mà không thôi khóc được, rồi tôi thở dốc tầm nửa giờ đồng hồ. Tôi cảm thấy thật cô độc, như thể đang lún sâu vào hố cát, khi tôi nghe thấy một giọng nói đáng ghét từ trong đầu, nói rằng tôi thật “vô dụng”, rằng tôi nên biết “xấu hổ”, rằng tôi “không xứng là đệ tử Đại Pháp”. Thứ đó lợi dụng cảm giác sợ bị cô độc của tôi mà công kích tôi.

Đó là lần đâu tiên tôi cầu xin sự giúp đỡ của Sư phụ.

Tôi gửi tin nhắn cho một học viên nhờ giúp đỡ. Cô ấy mang cho tôi chút nước. Mặc dù cô ấy không hiểu được tôi cố nói gì trong cơn thở dốc nhưng cô ấy vẫn đáp lại bằng những lời an ủi để nhắc tôi nhớ tôi là ai—Tôi là một đệ tử Đại Pháp, tôi ở đây để trợ giúp Sư phụ cứu độ chúng sinh! Không một ai và không điều gì có thể ngăn tôi thực hiện sứ mệnh đó.

Cuối cùng, tôi cũng đã bình tĩnh lại. Cô ấy gọi một nhóm học viên khác tới phát chính niệm bên cạnh tôi. Sau gần một giờ đồng hồ, tôi đã cảm thấy khá hơn. Buổi tối, khi về nhà, tôi vẫn thấy đau đầu, nhưng tôi có thể chịu đựng được. Đến hôm sau thì như thể chưa có chuyện gì xảy ra. Tôi tràn đầy năng lượng và tiếp tục công việc sản xuất video.

Tôi thực sự biết ơn những học viên đã giúp tôi vượt qua can nhiễu đó. Cựu thế lực đã cố kéo tôi xuống—bằng cách khuếch đại bất cứ niệm đầu bất chính nào mà tôi từng dung túng, bất cứ sự hoài nghi nào về việc tôi có phải là một đệ tử Đại Pháp chân chính hay không. Sự phục hồi nhanh chóng của tôi là minh chứng cho thấy sức mạnh phối hợp của học viên như một chỉnh thể, uy lực của việc phát chính niệm, và sự từ bi vô hạn của Sư phụ.

Từ lần đó, tôi vẫn bị khảo nghiệm đi khảo nghiệm lại về chấp trước cơ bản này, một mặt là chấp trước chứng thực bản thân hay tìm kiếm sự ghi nhận nào đó, mặt khác là chấp trước vào cảm giác không xứng đáng hoặc sợ bị phản đối—vốn là hai mặt của một đồng xu.

Năm 2013, khi NTD chuyển sang hướng đi mới với chủ tịch mới, cũng là chủ tịch hiện giờ, nhóm tiếng Anh gần như bị xóa sổ. Tôi được chuyển sang làm việc tại Epoch Times tiếng Anh. Mặc dù đó có thể là cơ hội tốt nhất cho tôi nhưng tôi lại thấy thật khó chấp nhận. Một lần nữa, tôi lại cảm thấy bị xa lánh và bị đẩy ra khỏi NTD. Làm việc cho thời báo Epoch Times như một quyết định dành cho tôi mà không có sự đồng ý của tôi. Cuối cùng, lý do duy nhất khiến tôi trở lại New York là vì NTD yêu cầu tôi phụ trách nhóm Tin tức Tiếng Anh. Đó là một nhiệm vụ lớn mà tôi đã toàn tâm đảm nhận.

Sau hai năm làm việc tại NTD ở New York, khi tôi được điều chuyển tới làm việc tại thời báo Epoch Times, tôi đã nhận ra rằng thay vì nhận thức tình huống một cách toàn diện, tôi lại dựa vào NTD để cố khẳng định bản thân. Tôi đã sinh ra chấp trước vào vị trí giám đốc hay người làm mảng tin tức, coi đó như một “bảo đảm” cho việc giảng chân tướng.

Sư Phụ giảng:

“Ngay cả chư vị làm các hạng mục của đệ tử Đại Pháp, trên trời lại không có TV, Thần cũng không có báo chí, những cái này đều là hình thức xã hội người thường. Chư vị nếu không thể dùng chính niệm chỉ đạo chư vị, chư vị không thể giống như một đệ tử Đại Pháp dùng tiêu chuẩn người tu luyện để đo lường chính mình, đo lường thế giới, đo lường người khác, vậy chư vị chính là như người thường.” (Thế nào là đệ tử Đại Pháp, Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2011)

Ở Epoch Times, tôi được biết rằng kỹ năng của một biên tập viên như tôi là vô cùng cần thiết, nhưng họ không chắc chắn tôi sẽ làm việc ở vị trí nào. Đầu tiên, tôi được chỉ định làm việc ở hai bộ phận: nhóm làm trang web và nhóm tin tức New York. Vị trí và chỗ làm việc của tôi thay đổi ba lần trong một năm. Sự bất an khi không biết tôi phù hợp với vị trí nào hay làm sao để có thể tận dụng tối đa kỹ năng là có thể đoán được vì công ty vẫn đang trong quá trình kiến lập. Dù hiểu cách nào thì tôi vẫn thấy khó chịu.

Một năm sau, tôi từ bỏ, phần vì lý do tài chính, phần vì tôi mệt mỏi vì phải biên tập nhiều bài báo, nhưng chủ yếu là do cảm giác tôi không thuộc về nơi này, nhất là sau khi một người quản lý của tôi bảo tôi là tôi không có tâm làm việc cho Epoch Times. Tôi thật sự kiệt sức. Cuộc sống của tôi rất bấp bênh. Lúc đó, tôi vẫn đang rầu rĩ vì những mất mát của bản thân khi cha tôi qua đời, và những thứ khác nữa.

Tám tháng sau khi rời khỏi Epoch times, với tôi, phải nói là như cơn ác mộng. Tôi sẽ không kể chi tiết ở đây. Nhưng tóm lại là cảm giác tôi bị từ chối mạnh lên gấp chục lần so với trước đây. Tôi biết có điều gì đó không ổn.

Cuối cùng, khi quay trở lại làm việc cho Epoch Times, tôi cảm thấy quyết định của mình xuất phát từ ý nguyện của chính bản thân tôi, chắc chắn là vậy. Tôi bắt đầu viết những câu chuyện về những người có tầm ảnh hưởng và có thể truyền cảm hứng ở New York, sau đó bắt đầu viết bài cho chuyên mục Nghệ thuật, vốn phù hợp với sở thích và ngành học của tôi. Tôi đã nỗ lực làm việc toàn tâm toàn ý. Tôi nhận được những lời khen của phó giám đốc và một trong những nhà quản lý cao cấp của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, cũng như quản lý cấp cao của bộ sưu tập The Frick về các bài báo của mình. Đây là hai bảo tàng nghệ thuật uy tín nhất của thành phố cũng như quốc tế. Đó là sự động viên cho quá trình viết bài của tôi, xóa tan nhiều điều bất an và nghi ngờ mà tôi đã nuôi dưỡng bấy lâu nay, xóa tan cảm giác mình chưa tốt trong tôi.

Vì vậy, khi Epoch Times lại trải qua sự thay đổi lớn, cách đây hơn một năm, tôi được thông báo tôi là một trong những người bị dãn việc; đó là một cú sốc lớn đối với tôi. Tôi được thông báo rằng quyết định đó là căn cứ vào tình hình tài chính eo hẹp nên buộc phải làm vậy, nhưng tôi không tin là vậy. Tôi biết tôi đã làm việc cần mẫn, đặt toàn tâm toàn ý, nhưng tôi vẫn cảm thấy tôi bị đánh giá không công bằng.

Khỏi cần phải nói, tôi lại cảm thấy mình bị từ chối, cảm giác xấu hổ, bối rối và hoài nghi mạnh mẽ. Tôi lại băn khoăn, phải chăng mình quá chấp trước vào việc chứng thực bản thân qua công việc mà thiếu đi trái tim thuần tịnh trong việc cứu độ chúng sinh? Đâu là xuất phát điểm của tôi? Thiếu sót duy nhất mà tôi có thể nhìn ra ở bản thân khi đó là tôi không luyện công đều đặn hoặc không kiên trì, và rằng tôi vẫn phải từ bỏ chấp trước căn bản vào tình.

Cảm giác bị từ chối mà tôi có và sự giận dữ tích tụ qua nhiều tháng lại nổi lên. Ngay cả khi tôi đã được nhận làm lại gần một tháng, trớ trêu thay, cách tôi được nhận làm lại càng làm tôi lại cảm thấy mình bì từ chối nhiều hơn. Thay vì được trực tiếp mời làm lại, tôi lại được gửi cho một email báo phải thử việc một thời gian để xem tôi có tham gia luyện công tập thể đều đặn hơn không. Tôi lại thấy bối rối, không biết mình làm việc cho công ty hay cho ngôi chùa nữa? Tôi nghĩ mình cứ làm việc thật cần mẫn là đủ rồi. Hóa ra, đó không phải là tiêu chuẩn dành cho đệ tử Đại Pháp làm việc trong hạng mục truyền thông. Tiêu chuẩn cần có là làm việc cần mẫn, và là một phần của chỉnh thể.

Các đồng nghiệp của tôi tỏ vẻ như chưa có chuyện gì xảy ra nhưng cho rằng tôi nên làm việc như bình thường.

Sư phụ giảng:

”Chư vị không phối hợp với nhau, chính niệm không đủ, khiến lúc chư vị đang phát chính niệm cái trong đầu nghĩ đến đều là những chấp trước mà trong tu luyện với nhau không hướng nội mà tìm, [chỉ] hướng ngoại mà nhìn, thậm chí là phẫn nộ bất bình, nghĩ đến ai liền tức giận, chư vị nói xem chư vị phát chính niệm đó làm gì?” (Thế nào là đệ tử Đại Pháp, Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2011)

Tôi phải lựa chọn, hoặc tiếp tục để sự oán hận và giận dữ phát triển hoặc phải loại bỏ chấp trước và phối hợp hoàn toàn, tin tưởng vào Sư phụ rằng mọi thứ xảy ra đều có lý do, kể cả lúc đó, tôi không hiểu nguyên nhân đi nữa.

Giờ đây, khi nhìn lại tôi hiểu rằng đó là những cơ hội tuyệt vời để tôi đề cao, tôi luyện bản thân, tiệp tục cố gắng tiến về phía trước. Tôi biết tôi không thể ỷ lại vào việc tôi là một thành viên của một hạng mục lớn, như Epoch Times, thì đã là bảo chứng cho việc làm tốt ba việc.

Tôi vẫn liên tục nhắc nhở bản thân rằng, trước hết, tôi là một đệ tử Đại Pháp. Mọi thứ khác đều là thứ yếu. Làm việc cho Epoch Timeslà một vinh dự và là một cơ hội vàng để tôi có thể phối hợp tốt với các đồng tu trong cứu độ chúng sinh, nhưng tất nhiên tôi không thể làm tốt việc đó nếu tôi không tu luyện tốt.

Tôi xin kết thúc bài chia sẻ bằng một đoạn Pháp của Sư phụ:

Những gì khó nhất chư vị đã vượt qua rồi, còn lại sẽ không khó như thế này nữa, chỉ là hãy làm nó tốt hơn một chút. Càng trong vô vọng, có lẽ hy vọng ngay ở trước mắt. Càng trong cảm giác buồn chán, có lẽ chính là đang kiến lập uy đức của chư vị. Hy vọng mọi người thật sự có thể phối hợp tốt, chính niệm đủ, gặp phải việc thì hướng nội tìm, chính là giống như nhiệt tình lúc mới bước vào tu luyện. (Thế nào là đệ tử Đại Pháp, Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2011)

Tạ ơn Sư phụ. Cám ơn các đồng tu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/10/2/375255.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/10/4/172713.html

Đăng ngày 22-10-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share