Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Mỹ

[MINH HUỆ 25-5-2015] Sau lần Pháp hội New York năm 2015, trạng thái tu luyện của tôi đã phát sinh chuyển biến rất lớn.

Buổi tối ngày thứ hai sau Pháp hội, khi tôi học “Bài giảng thứ chín” trong “Chuyển Pháp Luân”, tôi phát hiện câu này vô cùng rõ ràng:

“Chư vị bái Phật có thể làm cho chư vị tu luyện chân chính không? Chư vị rất thành kính, chẳng dám chạm khẽ vào tượng Phật, hàng ngày đốt hương cho tượng; vậy mà chư vị dám làm hư hại Đại Pháp vốn thật sự có thể chỉ đạo chư vị tu luyện.”

Đoạn này đã học qua rất nhiều lần rồi, nhưng tôi chưa từng bái Phật, từ trước tới giờ chưa từng cảm thấy có quan hệ trực tiếp gì với bản thân mình. Tôi lại đọc lặp đi lặp lại mấy lần, cảm thấy đoạn này đã chỉ ra một vấn đề rất lớn trong tu luyện của tôi.

“Phật” ở đây, đối với tôi mà nói, lại không phải là tượng Phật ở trong chùa, mà là cái “cái tôi giả” tồn tại trong trường không gian của tôi suốt trong một thời gian dài. Cái “cái tôi giả” này là tri thức và quan niệm hậu thiên của tôi hình thành, suốt thời gian dài tôi coi nó như là bản thân mình, tạo thành việc bản thân trong tu luyện cứ loanh quanh mãi trong một tầng thứ, không cách nào đột phá.

Vậy cái “cái tôi giả” này hình thành như thế nào?

Từ nhỏ tôi đã thích đọc sách, từ trung học tôi bắt đầu đọc các sách về triết học. Sau khi vào đại học, tôi học một cách hệ thống các môn triết học, văn học, tôn giáo của Trung Quốc và phương Tây, lập chí muốn làm một đại học giả đứng đầu, nhà tư tưởng lớn. Điều này khiến tôi trong suốt thời gian dài đã tìm đọc một lượng lớn sách, truy cầu tìm hiểu ý nghĩa của nhân sinh, cũng muốn có được sự hư vinh khi thành danh thành gia. Trong thời gian tôi học ở Mỹ đã may mắn được đắc Pháp. Lúc mới đầu đắc Pháp, tôi gấp rút đọc tất cả kinh sách Đại Pháp, tất cả những nghi vấn trong kiếp nhân sinh hay gặp phải khi tìm kiếm tri thức đều đã được giải đáp. Tôi hưng phấn một cách dị thường, cũng nhanh chóng bắt đầu tham gia hoạt động hồng Pháp giảng chân tướng tập thể. Nhưng lúc đó, tôi còn chưa ý thức được rằng tôi có một cái tâm lợi dụng Đại Pháp.

Tháng 10 năm 2003, tôi đọc được một bài viết chia sẻ của học viên ở trên Minh Huệ Net, tác giả ngộ được rằng, mặc dù bản thân cũng đang học Pháp, luyện công, giảng chân tướng, nhưng mà “cơ điểm ấy là lợi dụng Đại Pháp, lợi dụng Sư phụ để đạt được đề cao, viên mãn, mà không phải là duy hộ Pháp, duy hộ Sư phụ, chứng thực Pháp cứu độ chúng sinh”. Tác giả đã trích dẫn một đoạn trong “Đại Pháp không thể bị lợi dụng” trong “Tinh tấn yếu chỉ” Sư phụ đã giảng:

“Như thế đưa đến một vấn đề đang biểu hiện ra trong người thường, ví như có một số người nguyên từ đầu phản đối Đại Pháp hoặc không tin Đại Pháp mà nay đến học luyện Đại Pháp. Đại Pháp có thể độ hết thảy chúng sinh, tôi không phản đối bất kỳ ai đến học, tôi chính là đưa Đại Pháp ra truyền cho chúng sinh, mấu chốt là những người kia trong tâm không nhìn nhận tôi là Sư phụ chân chính của họ, mục đích học Đại Pháp là lợi dụng Đại Pháp để bảo hộ những thứ mà bản thân họ không buông bỏ trong tâm cũng như những gì đó trong tôn giáo, hoặc Thần trong tâm của họ. Ấy là hành vi trộm Pháp. Bản thân việc muốn lợi dụng Đại Pháp đã là tội không thể dung thứ. Nhưng trong số họ có một bộ phận những người, mà tư tưởng của phía con người không tỉnh táo lắm, do đó tôi vẫn luôn đang nhìn họ.”

Đọc được bài viết này, tôi cảm thấy chấn động như sét đánh, phát hiện bản thân cũng có cái tâm lợi dụng Đại Pháp. Dù tôi chưa hề chính thức quy y tôn giáo, nhưng từ trong đáy lòng tôi là lợi dụng Đại Pháp truy cầu tri thức, coi Đại Pháp như là công cụ nghiên cứu học vấn của mình. Điều này khiến cho tôi không thể hoàn toàn từ trong Pháp mà nhận thức Pháp. Hồi tưởng lại tu luyện của bản thân trong khoảng một năm, từ khi mới đắc Pháp như bắt được châu báu, đến về sau không ngừng học Pháp mà có thể nhận thức được một chút Pháp lý, có một điểm mà tôi vẫn mãi chưa cải biến: coi bản thân như một học giả, cứ bảo trì một cảm giác đồng ý mạnh mẽ với giới học thuật, trong tiềm ý thức có ý muốn lợi dụng Đại Pháp để đạt được mục đích học thuật của mình. Tôi đã chấn động sâu sắc bởi bài viết đó, trong thời gian mấy ngày cứ phảng phất ở trong một trạng thái “hồn siêu phách lạc”. Tôi nỗ lực phân biệt chân ngã ở chỗ nào, chấn chỉnh lại động cơ tu luyện của bản thân, sau một đoạn thời gian, trạng thái tu luyện đã có đột biến. Khi tôi lại nói về Đại Pháp, thì không còn như là một “người ngoài” nữa; tôi đã không còn sự đồng cảm mãnh liệt với giới học thuật như trước nữa; tôi có thể coi bản thân như một lạp tử của Đại Pháp, từ trong Pháp mà nhận thức Pháp. Về sau, khi tôi lại đọc những bài viết về phương diện này, thì cũng không còn cảm thụ mãnh liệt như trước nữa.

Nhưng mà, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Mãi đến lần Pháp hội New York năm 2015 được nghe Sư phụ giảng Pháp, tôi mới ngộ được nguyên nhân khiến mình cứ loanh quanh trong một tầng thứ là chỗ nào.

Đó chính là, tôi vẫn duy hộ “cái tôi giả đội lốt học giả”. Phàm là người khác mà xúc động đến cái “cái tôi giả” này, “tôi” đều phản ứng mạnh mẽ, công phẫn bất bình. Mỗi khi tôi dựa vào phương thức của nó để nghĩ vấn đề, nói chuyện, làm các việc, thì cứ giống như đốt hương cho tượng Phật vậy, đang tăng cường nó lên, đang cấp năng lượng bổ sung cho nó.

Vấn đề này có biểu hiện tại các phương diện trong tu luyện của tôi. Ví dụ, tôi thích học các kinh văn mới từ sau năm 1999, trong những kinh văn này, Sư phụ đã giảng những Pháp lý của Chính Pháp cực kỳ thâm sâu huyền bí, đọc đến mức có một loại cảm giác “thoả mãn”, trong tiềm ý thức cũng cho rằng bản thân có thể lý giải được bộ phận Pháp lý này [nên] cảm thấy dương dương tự đắc.

Ví dụ khác, tôi không coi trọng tu luyện ở những việc nhỏ. Khi gặp mâu thuẫn với đồng tu, người nhà, mặc dù đại bộ phận trên bề mặt có thể nhẫn được vững, nhưng tôi rất ít khi đào sâu vào căn nguyên, tìm ra tâm chấp trước rồi đi loại bỏ nó. Tìm cái cớ cho bản thân là: hiện nay là tu luyện Chính Pháp, đệ tử Đại Pháp cần làm là những việc lớn cứu độ chúng sinh, những việc nhỏ này không quan trọng đến thế. Những tâm chấp trước này dĩ nhiên đều phải tu bỏ trong tu luyện, nhưng trước mắt có nhiều việc cấp bách như thế, không cần đặt lực chú ý vào những sự việc nhỏ kia.

Lại ví dụ nữa, trong giao lưu chia sẻ một số đồng tu nói về tu luyện ở những việc nhỏ, thì thông thường trong tâm tôi lẩm nhẩm “Sao lại vụn vặt như thế”. Thầm cảm thấy rằng bản thân có tầm nhìn rộng rãi, nhìn nhận các vấn đề khá sâu sắc.

Còn có một việc khiến tôi rất chấn động khi phát hiện ra. Mấy tháng trước, tôi lại phát hiện tôi vẫn còn vấn đề “văn hoá đảng” rất nghiêm trọng, nhất là về ở phương diện phương thức nói chuyện và phong cách viết bài. Từ khi “Cửu Bình Cộng sản đảng” được công bố, nhất là sau khi đề xuất ra khái niệm về “văn hoá đảng”, kỳ thực tôi cũng khá coi trọng vấn đề này, cho rằng bản thân đã bỏ được cũng ít nhiều, sẽ không có vấn đề về phương diện này nữa. Nhưng gần đây khi nghĩ lại bản thân, phát hiện những đặc trưng ngôn ngữ của văn hoá đảng – giả, phóng đại, rỗng tuếch, hận, trừu tượng, phi nhân cách hoá (không nói về “tôi” mà chỗ nào cũng nói “chúng ta”) – thì tôi hầu như đều có. “Cái tôi giả đội lốt học giả” kia đã coi sự “rỗng tuếch hư giả phóng đại” kia là “hoành tráng”, coi “trừu tượng” thành “sâu sắc”, coi “hận” thành “đúng chỗ”, coi “phi nhân cách hoá” thành “khách quan”.

Kỳ thực nghĩ một chút cũng không kỳ lạ. Lý luận của tà đảng ở trên bề mặt biểu hiện là một loại triết học, vấn đề “văn hoá đảng” này và trạng thái không đúng đắn “phần tử trí thức học Đại Pháp” của tôi, vừa khéo là có cùng một nguồn gốc.

Không phải nói, tu luyện bấy nhiêu năm trước đây đều thuộc về trạng thái không tìm được chân ngã, chủ ý thức không mạnh, nhưng “cái tôi giả đội lốt học giả” này đích xác là thường xuyên biểu hiện vô cùng mạnh mẽ, hầu như áp đảo chính niệm của người tu luyện.

Một hậu quả chủ yếu là: Tôi đã đẩy ra không biết là bao nhiêu cơ hội tu luyện, trong mâu thuẫn cho dù là nhẫn được rồi nhưng cũng chỉ là nhẫn được trên bề mặt, còn thực chất không hề tu. Điều tệ hơn là, tôi không hề ý thức được rằng tôi đang lãng phí cơ hội tu luyện, mà đang âm thầm chờ đợi khảo nghiệm lớn tới. Khảo nghiệm lớn chưa tới, trong khi chờ đợi tôi tâm lực đều hao tổn, dùng biện pháp của con người mà khổ sở chống đỡ.

Tại Pháp hội New York 2015, trong giảng Pháp, Sư phụ giảng:

“Cũng có một số việc rất nhỏ nhặt, không đáng kể trong tu luyện, [nhưng] kết quả xuất hiện vấn đề lớn.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2015)

Pháp của Sư phụ thật sự đã thức tỉnh tôi! Không coi trọng chuyện nhỏ, về thái độ đối đãi với một số sự việc thì lạc vào người thường, điều nói tới không phải chính là tôi sao? Sau khi ý thức được điểm này, ngày thứ hai sau Pháp hội khi học Pháp, Sư phụ lại điểm vào căn nguyên ở sâu hơn của vấn đề của tôi, đó chính là “cái tôi giả đội lốt học giả” mà tôi đã phân tích ở trên.

Tôi có cảm giác như bừng tỉnh khỏi giấc mộng! Những năm này vì sao một số tâm chấp trước lại khó bỏ như thế? Chính là vì cái tôi giả kia không ngừng đẩy tâm chấp trước ra, tìm cớ! Mặc dù dường như chỉ sai kém một chút như thế, nhưng đó chính là sự khác biệt giữa người tu luyện và người thường! Chỉ cần có một chỗ lậu, một chỗ sai sót về nhận thức, thì tâm chấp trước sẽ không loại bỏ được! Nó cũng giống như một căn phòng, mặc dù tất cả cánh cửa đều được khoá chặt, nhưng chỉ cần có một cánh cửa không khoá, kẻ trộm sẽ có thể ngang nhiên tự do ra vào.

Chỉ cần đặt công phu trong mấy hôm mà trạng thái tu luyện của tôi đã phát sinh biến hoá thật lớn, đó là điều mà tôi không ngờ tới. Có thể đưa ra một số ví dụ nhỏ.

Một vị đồng tu bảo tôi dịch một bài viết, tôi dịch xong rồi, cô ấy lại không vừa ý với một câu trong ấy, nói rằng câu kia “sao mà cứ là lạ”. Tôi vẫn luôn khá tự phụ về năng lực ngôn ngữ của mình, nghe cô ấy nói vậy, nghĩ cũng không có nghĩ bèn thuận miệng nói ra: “Tôi đã xem qua từng câu một rồi đấy.” Ý ở ngoài lời là tôi phiên dịch cẩn thận thế, sẽ không có vấn đề đâu.

Năm ngoái và năm kia cũng từng xuất hiện trường hợp tương tự như vậy. Hồi năm kia, tôi có dịch một vài bài, vị đồng tu kia nói: “Về tổng thể đều rất tốt, chỉ có một câu, cần phải thuận tai hơn chút.” Tôi buột miệng nói: “Còn chưa đủ thuận tai ư?” Đến năm ngoái, một đồng tu khác không vừa ý với một bài dịch của tôi, nhận xét rằng nó “chưa đủ sắc thái văn chương”, khiến tôi lại phải bỏ công thêm chút. Mặc dù trên miệng tôi không nói gì, nhưng trong tâm nghĩ: “Nguyên tác vốn không có sắc thái văn chương nào, mà chị lại bảo tôi dịch không có sắc thái văn chương, chẳng phải bảo tôi làm giả sao?”

Mặc dù hai việc này đều không gây ra xung đột gì với đồng tu, nhưng trong tâm tôi vẫn thấy căm phẫn bất bình, điều này cho thấy rõ rằng lúc đó chưa có thể từ tu luyện mà nghiêm túc đối đãi, chưa có thật sự đề cao lên.

Cho nên lần này khi vấn đề tương tự xuất hiện, tôi liền cảnh giác: Không được lại vì chuyện nhỏ này mà lờ đi nữa! Cần phải nhìn thẳng nó, tìm ra tâm chấp trước, loại bỏ nó. Rất hiển nhiên, đấy là tâm tranh đấu. Tôi gắng sức khắc chế cái tâm này rồi, sau đó lại xem bản dịch của mình, thấy không chỉ “một chỗ là lạ”, mà rất nhiều chỗ đều có thể sửa lại cho tốt hơn.

Mấy ngày ấy tôi không ngừng suy nghĩ, phát hiện rất nhiều vấn đề trong tu luyện của mình, đều có thể truy ngược lại về “cái tôi giả đội lốt học giả” kia. Kỳ thực trong “Chuyển Pháp Luân” và “Tinh tấn yếu chỉ”, Sư phụ đã giảng đi giảng lại về vấn đề loại này, tôi ôm giữ tâm chấp trước mà học Pháp, không nhìn được nội hàm của Pháp, đã lãng phí rất nhiều thời gian.

Ngộ được những điều này, tôi cảm thấy được sự nhẹ nhàng mà trước giờ chưa từng có. Trong bất kể chuyện nhỏ nào cũng đều có thể phản ánh ra tâm chấp trước, chẳng phải tức là trong một ngày đã có rất nhiều cơ hội tu luyện sao? Không cần phải chờ đợi cái gọi là “khảo nghiệm lớn” kia nữa, chỉ cần nghiêm chỉnh đối đãi với từng sự việc trong cuộc sống, đó chẳng phải chính là tu luyện sao? Bất tất phải truy cầu “hoành tráng”, “sâu sắc” nữa, chẳng phải có thể đoạn tuyệt được “hư giả, phóng đại, trống rỗng”, sống càng chân thực, càng nhẹ nhàng sao?

Tôi thể hội được sâu sắc rằng, bất kể mỗi từng chút đề cao của tôi, đều là tâm huyết của Sư phụ đổi lấy. Cho nên Pháp lý mà tôi ngộ được, không phải tài sản tư hữu của tôi, cho nên mới không tự lượng sức mình, đem những thể hội trên đây viết ra cùng giao lưu với đồng tu.

Tầng thứ cá nhân hữu hạn, mong các đồng tu vui lòng góp ý.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2015/5/25/309926.html

Đăng ngày 18-10-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share