Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc

[MINH HUỆ 5-9-2018] Bà Tào Nãi Tân, 68 tuổi, là công nhân đã về hưu của Nhà máy Tơ lụa Khu Nạp Khê, thành phố Lô Châu, tỉnh Tứ Xuyên. Bà Tào bị mưu hại, cáo buộc phạm tội và bị bắt giữ bất hợp pháp vào ngày 05 tháng 4 năm 2016. Sau đó, cảnh sát đã ngụy tạo một lời thú tội giả mạo. Bà Tào bị đưa ra xét xử bí mật và bị kết án hai năm tù giam. Gần đây, bà Tào đã được thả ra.

Một loạt tình tiết liên quan dẫn đến việc bà Tào bị bắt giữ và kết án tù cho thấy chính quyền đã dàn xếp toàn bộ sự việc để hãm hại bà Tào vì họ biết bà là một học viên Pháp Luân Công.

Ủy ban Quản lý Đô thị dàn dựng để tạo chứng cứ giả

Ngày 5 tháng 4 năm 2016, khi bà Tào Ái Tân đi vào trong thành phố để tới điểm hẹn làm tóc và bà ghé thăm cháu gái. Sau khi xuống xe buýt, bà Tào ngồi ở một chiếc ghế băng.

Một người nhặt ve chai đã dừng lại gần chỗ bà Tào và lấy từ trong giỏ ra vài chiếc đĩa CD. Một người đàn ông cao niên ngồi trên ghế băng nhìn thấy và hỏi bà ta đó là đĩa gì, người nhặt ve chai nói: “Có thể nó là đĩa về Pháp Luân Công.”

Người đàn ông này đã cầm lấy mấy chiếc đĩa CD. Vừa nghe nói là đĩa Pháp Luân Công, bà Tào liền tiến lại gần. Ông ta thấy bà Tào tiến đến, liền hỏi bà Tào có muốn vài chiếc đĩa CD hay không. Khi bà Tào vừa mở túi xách ra, ông ta liền bỏ một phần tài liệu Pháp Luân Công mà ông ta đang cầm vào trong túi xách của bà.

Khi người đàn ông này rời đi, một nhân viên của ủy ban quản lý đô thị đã chặn ông ta lại và hỏi rằng ai đã đưa cho ông ta những chiếc đĩa CD. Ông ta chỉ tay về phía bà Tào, lúc này người nhặt ve chai đã rời đi, chỉ còn bà Tào vẫn còn ở nguyên chỗ cũ.

Sau đó, người nhân viên của ủy ban đi tới chỗ bà Tào rồi nhét những chiếc đĩa CD vào túi của bà, đồng thời gọi cảnh sát tới bắt giữ bà.

Cảnh sát nói với con trai của bà Tào rằng sẽ tạm giam bà trong năm ngày. Tuy nhiên, hai ngày sau bà Tào bị chuyển tới một trại tạm giam, đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Ngày 7 tháng 4 năm 2016, một viên cảnh sát của Đội An ninh Nội địa thẩm vấn bà Tào. Ông ta không hỏi bất cứ câu hỏi nào mà chỉ ghi chép. Bà Tào muốn nói chuyện, nhưng viên cảnh sát ra lệnh cho bà ký vào biên bản báo cáo và điểm chỉ vào nó. Sau đó, một nữ cảnh sát đã ký vào bản báo cáo rồi rời đi mà không hề đọc nó.

Phiên tòa bí mật

Bà Tào bị giam giữ trong trại tạm giam vài tháng. Bà không hề được thông báo rằng mình sắp phải đối mặt với một phiên xét xử, cũng như không hề nhận được một bản cáo trạng chính thức trong suốt thời gian bị giam giữ, do đó, bà Tào không hay biết về những cáo buộc chống lại mình. Bà cũng không biết rằng mình có thể thuê một luật sư bào chữa. Bà Tào bị xét xử bí mật trong trại giam mà thành viên trong gia đình bà không được thông báo về phiên tòa. Tại phiên tòa, chỉ có những người làm việc tại Tòa án Khu Giang Dương, mà không hề có sự hiện diện của quan sát viên tòa án.

Những cáo buộc chống lại bà Tào là giả mạo. Sau đó, bà Tào biết rằng những cáo buộc đó là do cảnh sát ở Đội An ninh Nội địa tạo ra trong quá trình thẩm vấn. Bà Tào cố gắng giải thích những gì đã xảy ra, nguồn gốc của số tài liệu, bằng chứng giả mạo của ủy ban quản lý đô thị và quá trình họ thẩm vấn bà. Tuy nhiên, tòa án bác bỏ toàn bộ lời biện hộ và tuyên bố của bà Tào. Bà đã bị kết án hai năm tù giam.

Chuyển từ trại giam tới nhà tù

Bà Tào bị giam giữ tại Trại giam Nạp Khê, thành phố Lô Châu trong 15 tháng. Sau đó, bà bị bí mật chuyển đến nhà tù.

Bà Tào nói: “Một hôm, họ bảo rằng tôi sẽ bị chuyển đến một nơi khác và phải rời đi ngay bây giờ. Họ cũng không nói cho tôi biết đó là nơi nào. Tôi không được phép mang theo đồ đạc cá nhân như quần áo và những đồ dùng thiết yếu hàng ngày, và tôi còn đang đi dép.”

Bà nói tiếp: “Người của Trại giam Nạp Khê biết rõ rằng tôi bị mưu hại và buộc tội oan sai – họ sợ sẽ bị phơi bày. Do đó, họ không thông báo cho gia đình tôi. Tôi đã bị còng tay và bị cùm chân trong quá trình chuyển tới nhà tù nữ đó.”

Bà Tào bị giam giữ tại Khu Số 5 Nhà tù Nữ Long Tuyền. Bà Tào bị hai tù nhân giám sát 24/24. Bà bị ép buộc phải xem những chương trình vu khống Pháp Luân Công và bị gây áp lực để từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.

Một người sẽ phải đứng yên trước tường hơn 10 tiếng một ngày mà không được cử động nếu không tuân thủ quy định của nhà tù. Ngoài ra còn có những hạn chế khác như cấm sử dụng nhà vệ sinh

Tra tấn

Bà Tào kể lại: “Chân của tôi bị thương và đã không thể phục hồi hoàn toàn. Tôi đang đi tập tễnh. Tuy nhiên, tôi vẫn phải đứng úp mặt vào tường trong nhiều giờ. Ngoài ra, tôi phải nghe những tuyên truyền vu khống Pháp Luân Công. Tù nhân Long Thanh Mai hỏi tôi rằng xem những chương trình truyền hình đó tôi đã hiểu ra gì đó chưa. Tôi nói rằng tôi không xem chúng. Cô ta đã tát vào mặt tôi. Khi tôi nói với cảnh sát rằng tù nhân đó đánh tôi, thì họ lại nói: ‘Thật à? Bà đau ở đâu?’

“Các tù nhân được thông báo rằng họ sẽ được giảm án nếu ngược đãi các học viên. Các phương thức tra tấn gồm có đứng nhiều giờ đồng hồ, cấm ngủ và thiếu thốn lương thực.”

Chân của bà Tào bị sưng phù chảy mủ, do đó bà Tào đã được đưa đến bệnh viện nhà tù, ở đó, bà biết rằng các học viên ở Khu Số 6 còn bị ngược đãi dã man hơn cả bà. Những người kiên định với đức tin của mình bị còng tay và cùm chân và khóa vào ghế sắt.

Có người thấy bà Trương Lợi Huy, một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Lô Châu bị trói vào một cái cây.

Có rất nhiều học viên bị giam giữ tại Nhà tù Nữ Long Tuyền, trong đó có bà Lương Văn Đức, bà La Thủy Trân, bà Đường Thiên Mẫn, bà Trương Quang Tiên, bà Dương Thái Trân, bà Phùng Đức Quỳnh, bà Trương Lợi Huy và bà Lý Quần Đẳng.

Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại Pháp Luân Công năm 1999, bà Tào đã bị đưa đến trung tâm tẩy não và bị giam cầm trong trại lao động cưỡng bức hai lần.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/9/5/373376.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/9/20/171970.html

Đăng ngày 28-09-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share