Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 11-9-2018] Tháng 1 năm 2017, có ít nhất năm học viên Pháp Luân Công ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang bị bắt giữ sau khi các quan chức nhìn thấy những băng rôn mang dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo” treo trên cây. Một học viên đã bị kết án hai năm tù vào tháng 10 năm 2017. Ba người khác đã bị kết án vào tháng trước.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện dựa trên nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn, đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Hàng chục công an đã được phái đi thực hiện các vụ bắt giữ, sách nhiễu và tống giam. Công an đánh đập các học viên, đe doạ người nhà và lục soát nhà họ. Ngoài ra, công an còn sử dụng video giám sát, nghe lén điện thoại, định vị và xe giám sát để theo dõi các học viên.

Các học viên là ông Hàn Trung Nhất, bà Hầu Hiểu Lan, ông Trần Lập Hoa, bà Cố Quốc Cần và bà Xa Văn Thuỷ. Trong số họ, bà Cố đã ở độ tuổi thất tuần.

Tấm băng rôn là nguyên nhân của vụ bắt giữ

Bởi các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc có ít kênh để tìm kiếm công lý cho các học viên khác đang bị cầm tù vì đức tin của họ, nên nhiều người đã treo các băng rôn ở những nơi công cộng để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại.

Khi các quan chức từ Bắc Kinh đến thăm Quảng trường Vạn Đạt ở khu Bình Phòng, Cáp Nhĩ Tân, họ đã thấy những băng rôn với dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo” treo trên các cành cây. Những quan chức đó giận dữ ra lệnh cho quan chức địa phương điều tra ngay lập tức.

Sở Công an Tỉnh Hắc Long Giang đã nhận lệnh và chỉ đạo Đồn Công an Bình Phòng cùng Đội An ninh Nội địa Khu Bình Phòng xác định danh tính và bắt giữ những người treo băng rôn.

3cf4b6c02aef4febc440b79473e1c7fd.jpg

Một băng rôn với dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và “Chân – Thiện – Nhẫn hảo” được nhìn thấy vào tháng 1 năm 2017

Qua cảnh quay từ camera giám sát, Đội An ninh Nội địa Bình Phòng và Đồn Công an Thị trấn Bình Tân đã phát hiện một chiếc xe dừng lại bên đường vài lần. Chiếc xe này thuộc sở hữu của ông Hàn, một học viên ở thôn Đông An, khu Song Thành. Hơn 20 người đã bao vây nhà ông lúc 7 giờ sáng ngày 26 tháng 1 năm 2017. Họ lục soát toàn bộ ngôi nhà trong khi ông Hàn không có ở nhà. Công an đã đưa vợ và con trai ông đi thẩm vấn và đến tận 5 giờ chiều mới cho họ về. Xe của gia đình cũng bị tịch thu.

Ngày 5 tháng 2, ông Hàn bị bắt giữ tại nhà con trai và bị giam tại Trại tạm giam Nam Cương. Tám tháng sau, ông bị kết án hai năm tù. Hiện ông đang bị giam tại Nhà tù Hô Lan, Cáp Nhĩ Tân.

Thêm bốn học viên bị giam

Qua việc dò điện thoại di động của ông Hàn, công an đã xác định được số điện thoại cùa bà Hầu Hiểu Lan, một học viên khác trong thôn. Đội An ninh Nội địa Khu Bình Phòng đã nghe lén và định vị điện thoại của bà Hầu.

Ngày 28 tháng 3 năm 2017, hơn 30 công an đã bắt giữ bà Hầu. Lúc đó, con gái bà vừa mới sinh con chưa đầy ba tuần, và bà đang chăm sóc cháu bé.

Công an đã giam bà Hầu tại trại tạm giam Số 2 Cáp Nhĩ Tân, ở đó họ đánh đập và cưỡng ép bà thừa nhận đã treo các băng rôn và cung cấp tên của các học viên khác. Sau khi người nhà kiên quyết yêu cầu thả người, bà Hầu đã được bảo lãnh tại ngoại.

Tháng 8 năm 2017, Chu Lập Phong được bổ nhiệm là đội trưởng mới của Đội An ninh Nội địa Khu Bình Phòng, ông ta đã tăng cường bức hại các học viên. Nghi ngờ ông Trần Lập Hoa, một học viên khác ở làng Đông An, đã tham gia treo băng rôn, 10 công an đã kéo đến bắt giữ ông Trần tại nhà con trai ông vào ngày 30 tháng 8 năm 2017.

Ông Trần, từng là trạm trưởng của Trạm sữa Nestle Đông An ở thành phố Song Thành, là người được cộng đồng kính trọng. Ông nghiêm khắc chiểu theo tiêu chuẩn Chân – Thiện – Nhẫn để yêu cầu bản thân, ông luôn giúp đỡ người khác và không lạm dụng quyền lực để trục lợi.

Để bắt giữ ông Trần, công an đã nghe lén điện thoại của con trai ông, định vị điện thoại và theo dõi xe cơ giới của anh. Sau vụ bắt giữ, công an đã đưa ông Trần đến trại tạm giam Khu Bình Phòng vào tối hôm đó.

Cùng ngày hôm đó, bảy công an thuộc Sở Công an Thành phố Cáp Nhĩ Tân đã đến nhà bà Lưu Cảnh Hoa, nhưng khi đó bà không có ở nhà. Sau đó, bà phải rời nhà để tránh bị bắt giữ. Công an đã đến nhà bà nhiều lần để tìm bà.

Các vụ bắt giữ vẫn tiếp tục trong tháng sau. Công an đã bắt giữ bà Cố Quốc Cần, một học viên độ tuổi thất tuần, ngay tại nhà bà vào ngày 5 tháng 9 và giam bà tại trại tạm giam Số 2 Cáp Nhĩ Tân. Đồng thời, công an lại bắt giữ bà Hầu, người từng được bảo lãnh tại ngoại.

Ngoài ra, vào ngày 2 tháng 2 năm 2018, bốn công an thuộc Đồn Công an Thị trấn Bình Tân đã đến nhà bà Xa Văn Thuỷ. Cùng ngày hôm đó, công an đã đưa bà đến trại tạm giam Số 2 Cáp Nhĩ Tân.

Khi người nhà của các học viên đến Đồn Công an Thị trấn Bình Tân để cập nhật tình hình, công an nói rằng Sở Công an Hắc Long Giang, Phòng 610 tỉnh và Ủy ban Chính trị và Pháp luật Tỉnh trực tiếp giám sát vụ việc này.

Ba học viên bị kết án trong một phiên toà

Toà án Khu Đạo Lý đã xét xử ông Trần, bà Hầu và bà Cố vào giữa tháng 8. Ông Trần bị kết án 1,5 năm tù, bà Hầu và bà Cố bị kết án lần lượt hai năm và một năm.

Ông Trần đã bị đưa đến Nhà tù Hô Lan. Bà Cố đã được thả sau một năm giam cầm. Hiện không rõ bà Hầu vẫn được bảo lãnh tại ngoại hay là đã bị đưa đi tù.

Thủ phạm chính tham gia bức hại:

Vương Đông, Giám đốc Sở Công an Khu Bình Phòng ở thành phố Cáp Nhĩ Tân.

Địa chỉ: Số 6 đường Bảo Quốc, khu Bình Phòng, thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang 150066.

Điện thoại: +86-451-86500110

Chu Lập Phong, Đội trưởng Đội An ninh Nội địa Khu Bình Phòng.

Điện thoại: +86-18746011377


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/9/11/373670.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/9/16/171921.html

Đăng ngày 28-09-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share