Bài của một học viên tại Việt Nam

Kính thưa các bạn học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Việt Nam;

Mới đây, một bạn đồng tu người Việt đã đưa ra lời kêu gọi đóng góp bài chia sẻ tâm đắc thể hội cho Minh Huệ Net. Tôi rất kỳ vọng rằng trong thời gian tới đây Minh Huệ sẽ nhận được nhiều bài viết có ý nghĩa. Theo tôi, viết bài chia sẻ cho Minh Huệ không chỉ giúp cá nhân học viên ấy nhận ra các chấp trước, giúp học viên ấy đề cao lên, mà còn có tác dụng giúp đỡ các bạn học viên khác thăng tiến và thúc đẩy chỉnh thể tu luyện. Viết bài không phải để hiển thị, mà để phơi bày chấp trước và chia sẻ kinh nghiệm; viết bài không để chứng thực bản thân mà là để chứng thực Pháp. Nhiều khi tôi nghĩ rằng mình tu chưa tốt nên không viết bài chia sẻ, nhưng sau đó tôi nhận ra rằng đó không phải là suy nghĩ đúng đắn của một đệ tử Đại Pháp. Tu không tốt không phải là lý do để không viết bài chia sẻ, hơn nữa viết bài “tâm đắc thể hội” chính là hình thức mà Sư Phụ từ bi đã để lại cho chúng ta. Tôi cũng hy vọng rằng các bạn đồng tu có thể bớt chút thời gian quý báu để viết bài chia sẻ của mình. Cũng có một số bạn học viên không muốn viết bài cho Minh Huệ mà muốn thảo luận trên diễn đàn hơn. Nhân đây tôi xin bàn cụ thể về vấn đề này dựa trên hiểu biết của tôi.

1. Hình thức “thảo luận” trên diễn đàn:

Như một số học viên lâu năm nhận xét, các học viên Việt Nam ưa thích thảo luận kinh nghiệm tu luyện Pháp Luân Đại Pháp trên diễn đàn chinhphap.com hơn là viết bài chia sẻ cho Minh Huệ. Có bạn thấy diễn đàn thuận tiện vì có thể viết bài một cách tự do, không bị chỉnh sửa và không gò bó; có bạn thích tranh luận các vấn đề khác nhau trên diễn đàn; có bạn muốn nhận được lời góp ý cho các bài viết của mình; có bạn không muốn gửi bài cho Minh Huệ vì không nhận được ý kiến phản hồi, có bạn thấy nhiều học viên tham gia diễn đàn nên cũng tham gia…Vì nhiều lý do mà hiện nay diễn đàn chinhphap.com vẫn là nơi ưa thích để các học viên người Việt giao lưu chia sẻ kinh nghiệm. Nhiều chủ đề thảo luận về các vấn đề khác nhau đã được lập ra, và rất nhiều học viên đã tham gia thảo luận trên chinhphap.com. Tuy nhiên, những bài viết “thảo luận” trên chinhphap.com không hề trải qua quá trình xem xét và chỉnh sửa chính thức, vậy nên khi lưu truyền trong học viên thì dễ gây ra vấn đề. Những bài viết này cũng không thể được xem là bài “tâm đắc thể hội”. Thêm vào đó, đôi khi có một số hiểu nhầm khi Ban biên tập diễn đàn xóa bài viết của thành viên, và gây ra tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ học viên.

Mặt khác, mục đích của đa số chủ đề trên diễn đàn chinhphap.com là thể hiện nhận thức của một số học viên về một vấn đề cụ thể, đồng thời cũng có tranh luận để xem ai đúng ai sai. Nhiều học viên muốn cho thấy rằng hiểu biết của mình là đúng bằng cách dùng lý luận và trích dẫn kinh văn, kinh sách của Sư Phụ để làm dẫn chứng cho lý luận ấy. Một số học viên lại trích dẫn bài viết của học viên khác rồi tìm cách chứng minh rằng nhận thức của người khác là sai, và nhiều khi cũng lại bằng cách trích dẫn kinh văn, kinh sách của Sư Phụ. Tôi nhận thấy như vậy là chưa đủ tôn trọng Sư Phụ và Pháp, bởi vì người đó đang mượn Pháp để chứng thực bản thân. Hình thức tranh luận như trên theo tôi cũng dễ làm tăng trưởng tâm tranh đấu, tâm hiển thị, tâm tật đố, tâm hoan hỉ,…và khuấy động nhân tâm của không ít học viên. Thậm chí, một số mâu thuẫn đã phát sinh trong nội bộ học viên cũng chính vì kiểu tranh luận như vậy. Cá nhân tôi biết một số trường hợp chỉ vì các học viên mâu thuẫn với nhau trên diễn đàn chinhphap.com mà không chịu hợp tác với nhau trong các dự án chứng thực Pháp.

Những rắc rối nêu trên có thể phát sinh chính bởi vì các học viên Việt Nam đã chứng thực Pháp bằng cách sử dụng hình thức diễn đàn (của người thường) thay vì sử dụng Minh Huệ Net (kênh thông tin tối quan trọng của Đại Pháp – được Sư Phụ gọi bằng “Ông”). Chính vì vậy, tôi nhận thấy rằng hình thức “thảo luận” qua các bài viết trên diễn đàn không phải là điều mà các học viên nên làm. Nhận thức về vấn đề “thảo luận” (qua các bài viết) của tôi như sau: Mỗi học viên trong quá trình tu luyện đều có mức độ ngộ về Pháp khác nhau, và vì vậy nhận thức về các vấn đề đương nhiên cũng khác nhau. Do đó không thể nói rằng ai đúng, ai sai vì mỗi người đều đang ở tại tầng của mình mà đề cao lên, mà nhận thức Pháp. Sư Phụ giảng:

“Các tầng khác nhau có các Pháp khác nhau, các không gian khác nhau có các Pháp khác nhau; đó chính là Phật Pháp thể hiện khác nhau tại từng không gian, tại từng tầng khác nhau.” (Bài giảng thứ Nhất, Chuyển Pháp Luân).

Như vậy trong quá trình đồng hóa với Pháp, các học viên có nhận thức khác nhau là đương nhiên. Ở mục Tâm tật đố trong Bài giảng thứ Bảy của Chuyển Pháp Luân, Sư Phụ cũng giảng rằng: “[Người ta là] khác nhau.” Vì vậy tranh luận về các vấn đề trên diễn đàn xem ai đúng, ai sai rõ ràng là không nên. Nó cũng liên quan đến vấn đề tâm tật đố theo một cách tinh vi, khi ai ai cũng mong muốn rằng người khác có quan điểm giống như mình, và không chấp nhận quan điểm khác biệt. Nếu suy nghĩ sâu hơn nữa, thì đây là nhân tố Văn hóa Đảng tiềm ẩn trong mỗi học viên Việt Nam. Một vị Phật lẽ nào lại đi tranh luận với một vị Phật được? Sư Phụ giảng trong “Giảng Pháp tại Manhattan [2006]” nhưsau:

“Từ nay trở đi chư vị sẽ là như thế, dẫu chư vị đúng hay không đúng, vấn đề [đúng-sai] ấy đối với một người tu luyện mà giảng là hoàn toàn không trọng yếu. Không được cứ tranh luận mãi, không được nhấn mạnh vào là ai đúng ai sai. Có người vẫn luôn cứ nhấn mạnh rằng mình là đúng; chư vị đúng, chư vị không sai, vậy thì sao? Là đề cao trong Pháp chăng? Dùng nhân tâm để nhấn mạnh đúng-sai, bản thân đó đã là sai rồi; bởi vì chư vị dùng cái Lý của người thường để đo lường bản thân chư vị, chư vị dùng cái Lý của người thường để yêu cầu người khác.”

Do đó, tôi nghĩ rằng thay vì tìm cách tranh luận đúng – sai thì chúng ta nên hướng nội mà tu, hướng nội mà tìm, nhìn vào chính cái tâm của bản thân mình. Cũng như vậy, theo tôi khi viết bài chia sẻ thì cũng không nên có tâm mong cầu “nhận được góp ý”, để rồi từ đó lại tiếp tục tranh luận về nhận thức với người khác như trên diễn đàn; thay vào đó, nên nghĩ rằng mình viết bài chia sẻ là để chứng thực Pháp, không phải để chứng thực bản thân. Và cách tốt nhất để làm điều này chính là gửi bài “tâm đắc thể hội” lên Minh Huệ.

2. Hình thức giao lưu “tâm đắc thể hội” trên Minh Huệ Net:

(a) Tầm quan trọng

Hình thức chia sẻ “tâm đắc thể hội” trên Minh Huệ Net là hình thức mà Sư Phụ để lại cho các học viên, và hơn 10 năm qua, Minh Huệ đã đảm nhận xuất sắc vai trò “cửa sổ giao lưu” tu luyện Đại Pháp cho các học viên trên khắp thế giới. Đặc điểm của các bài chia sẻ “tâm đắc thể hội” trên Minh Huệ, ấy chính là tác giả bài viết thể hiện nhận thức riêng của mình, những kinh nghiệm của bản thân, tại tầng thứ hữu hạn của mình mà nhận thức Pháp và đang trong quá trình đề cao, do vậy không thể nói là đúng hay sai. Mỗi bài viết cũng đều quan trọng, không thể nói bài viết nào hơn bài viết nào. Khi viết bài, tác giả bài viết thường thêm vào câu: “Đây chỉ là nhận thức tại tầng thứ hữu hạn của tôi, mong các bạn từ bi góp ý” hay tương tự như vậy vào cuối mỗi bài viết. Nhưng trên thực tế, tác giả cũng không nhận được “lời góp ý” cho bài viết, mà thay vào đó tác giả tự xem xét dựa trên sự chỉnh sửa của Ban biên tập [Minh Huệ]. Một bài viết được đăng trên Minh Huệ là phải trải qua quá trình kiểm tra và chỉnh sửa kỹ càng của Ban biên tập, bởi vì một khi đã đăng là bài viết đó có thể được sử dụng làm tài liệu hồng Pháp và giảng chân tướng. Không những có ảnh hưởng trong học viên, bài viết có thể ảnh hưởng tới thái độ của những người không phải là học viên khi họ đọc Minh Huệ. Nếu có chỗ nhận thức còn hạn chế, bài viết ấy sẽ được thêm vào đoạn Lời của Ban biên tập, chẳng hạn như: “Đây là nhận thức của bản thân tác giả và chúng tôi thấy có chỗ còn thiếu sót. Chúng tôi hy vọng chúng ta có thể hành xử tốt hơn học viên này…”. Ban biên tập của Minh Huệ phải là những người được lựa chọn kỹ càng và rất đáng tin cậy, vì họ đang điều hành một kênh thông tin chính thức của Đại Pháp. Đó là để nói, việc cho phép một bài viết lưu truyền trên Internet không phải là một vấn đề nhỏ và có thể làm qua loa được. Với cách thức hoạt động chặt chẽ như trên, trao đổi kinh nghiệm qua các bài “tâm đắc thể hội” trên Minh Huệ sẽ tránh được những vấn đề tiêu cực không đáng có mà diễn đàn chinhphap.com đã gặp phải. Do vậy, theo ý kiến của tôi, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm qua Minh Huệ mới là hình thức mà học viên Việt Nam nên làm.

(b) Hiện trạng tại Việt Nam

Hiện nay trên Minh Huệ có rất ít các bài viết của học viên người Việt. Điều này chưa thể phản ánh tình trạng tu luyện của học viên Việt Nam. Cũng như một học viên người ngoại quốc nhận xét, học viên Việt Nam dường như bị cô lập với môi trường thế giới. Đại Pháp thế giới không biết nhiều về học viên Việt Nam và hình thế Chính Pháp tại Việt Nam, một phần cũng là do học viên người Việt chưa có bài viết đăng trên Minh Huệ đa ngữ (Minh Huệ tiếng Hán và Minh Huệ tiếng Anh). Với mỗi bài viết đăng trên Minh Huệ, Ban biên tập sẽ chỉnh sửa để những bài đó thật ngay chính, và một số bài viết sẽ được dịch sang Anh ngữ và Hán ngữ để đăng trên Clearwisdom.net và Minghui.org. Có như vậy, Đại Pháp thế giới mới có thể biết được hình thế Chính Pháp tại Việt Nam, và học viên Việt Nam mới có thể bắt kịp chỉnh thể Đại Pháp trên thế giới.

(c) Kiến nghị

Chính vì vậy, tôi mong muốn rằng từ nay các bạn học viên Việt Nam sẽ dần làm quen với hình thức chia sẻ “tâm đắc thể hội” trên Minh Huệ thay vì dùng hình thức “thảo luận” trên diễn đàn chinhphap.com. Khi học Pháp chung, các học viên đều trao đổi tâm đắc thể hội, và nhiều khi cũng góp ý (nói miệng) với nhau để cùng nhau đề cao, điều ấy đương nhiên là rất tốt. Nhưng là một kênh thông tin có đăng những bài viết của học viên thì lại là một vấn đề khác hẳn, vì những bài viết ở đó được lưu lại, bất cứ ai cũng có thể vào đọc, kể cả học viên và người thường. Do vậy cần hết sức thận trọng với các bài viết của học viên. Cuối cùng, chúng ta hãy cùng nhau đọc lại đoạn Pháp sau trong bình chú “Thanh Lý” của Sư Phụ trong bài “Đừng phóng túng, đừng chiêu mời ma quỷ”:

“Còn nữa, có một số website do học viên làm, [nếu] chư vị có thể khởi tác dụng trong cứu độ chúng sinh, thì hãy cứ tiếp tục làm cho tốt; nếu không thì không được gây tác dụng can nhiễu. Nhất là dẫn động một lượng lớn các học viên mới, và các học viên học Pháp chưa sâu mà nhân tâm lại mạnh mẽ tới tham dự; tôi kiến nghị rằng chư vị hãy đình chỉ toàn bộ.”

Trên đây chỉ là hiểu biết nông cạn của cá nhân tôi, có thể có chỗ chưa phù hợp, mong các bạn đồng tu từ bi chỉ rõ.


Đăng ngày 25-10-2009;

Share