Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở Bắc Kinh

[MINH HUỆ 25-7-2018] Ba phụ nữ trẻ ở Bắc Kinh bị kết án tù với tội danh “sử dụng tà giáo để làm suy yếu việc thực thi pháp luật”, một cái cớ thường được chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng để bắt giữ và bức hại các học viên Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.

Vào ngày 12 tháng 5 năm 2017, cô San San, một giáo viên dạy piano 27 tuổi; cô Giang Lệ Ngọc, 26 tuổi; và cô Điền Phong, cũng ở độ tuổi 20, đã bị bắt trong lúc đang dán các tờ rơi thông tin về cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Cảnh sát đã khám xét và lục soát nhà của họ. Một lượng lớn tài liệu thông tin Pháp Luân Công đã bị tịch thu và sau đó được sử dụng làm bằng chứng cho việc truy tố này.

Do tất cả các kênh hợp pháp ủng hộ các học viên Pháp Luân Công để phản đối cuộc bức hại đã bị chính quyền Trung Quốc ngăn chặn, nên các học viên thường phải dán các tờ thông tin và phát tờ rơi để công chúng biết được sự bất hợp pháp của cuộc bức hại. Nhiều học viên đã bị bắt và bị kết án tù vì những việc làm nhằm nâng cao nhận thức của người dân về cuộc đàn áp kể từ tháng 7 năm 1999.

Ba người phụ nữ đã bị xét xử tại Tòa án Quận Thạch Cảnh Sơn vào ngày 3 tháng 1 năm 2018, và bị kết án tù vào ngày 12 tháng 7 bởi thẩm phán Mâu Phương Phi.

Cô San và cô Giang đều bị kết án bốn năm tù, còn cô Điền bị ba năm rưỡi. Cả ba đều bị phạt 5.000 Nhân dân tệ. Vào thời điểm viết báo cáo này, gia đình cô Giang không hề nhận được thông báo chính thức về bản án của cô, mặc dù thời hạn nộp đơn kháng cáo đã qua.

Bị bắt giữ và xét xử

Các nhân viên Lưu Dương, Dương Hải Phi, và Lưu Văn Tùng thuộc Phòng Cảnh sát Quận Thạch Cảnh Sơn, cũng như viên sĩ quan Thôi thuộc Đồn Cảnh sát Quảng Ninh, là những người chịu trách nhiệm về việc bắt giữ các học viên này.

Cảnh sát đã tịch thu 6 đĩa CD chứa phần mềm vượt tường lửa Internet và 9 tờ tiền giấy viết các thông điệp về Pháp Luân Công từ túi xách của cô Giang. Họ cũng lấy đi những vật dụng cá nhân từ túi của cô, gồm có: 1 chiếc loa, 6 cuốn tài liệu về Pháp Luân Công, 5 chiếc điện thoại di động, 28 cuốn sách Pháp Luân Công, 1 máy tính xách tay, 54 tờ tiền có các thông điệp về Pháp Luân Công và 5 chiếc vé tham quan của điểm du lịch nổi tiếng ở tỉnh Quý Châu, nơi có “Tàng Tự Thạch” (trên tảng đá này có khắc các ký tự: Trung Quốc Cộng sản Đảng vong).

Cảnh sát cũng tiến hành lục soát nhà của các học viên. Họ tịch thu những đồ vật sau đây từ căn hộ chung cư của cô Giang và cô San: 1.617 tờ tiền chứa các thông điệp Pháp Luân Công, 46 biểu ngữ, 119 cuốn tài liệu và tờ rơi, 82 cuốn sách Pháp Luân Công, 191 đĩa CD, 2 máy tính xách tay, 1 điện thoại di động, 36 đồ vật bao gồm ổ đĩa flash, ổ đĩa cứng, thiết bị âm thanh và giao diện truyền dữ liệu USB và 58 vật dụng khác bao gồm lịch, máy cắt giấy, vật lưu niệm, thiệp chúc mừng và đề can.

Trong căn hộ của mình, cô San còn có 7.000 Nhân dân tệ tiền mặt mà người quản lý giao cho cô để trả công cho các nhân viên. Cảnh sát đã tịch thu số tiền đó, việc này khiến cho ông chủ của cô hiện không trả được lương cho nhân viên của ông.

be02b40e7b6ac49ebc363f432830a54d.jpg

Cô San, giáo viên dạy piano

Trong buổi xét xử, luật sư của cô Giang, ông Lương Tiểu Quân, đã biện hộ rằng không có điều luật nào ở Trung Quốc nói rằng tập Pháp Luân Công là phạm tội và các vật dụng bị tịch thu đều là tài sản hợp pháp của cô Giang và của người được bào chữa chung với cô.

Công tố viên cáo buộc rằng những đồ vật đó chứa đựng các thông điệp về Pháp Luân Công và nó làm suy yếu việc thực thi pháp luật. Tuy nhiên, ông ta đã không thể đưa ra được điều luật nào quy định công dân không được phép sản xuất hoặc phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công.

Cô Giang, một nhân viên lễ tân tại một cơ sở giáo dục ở Bắc Kinh, đã làm chứng trong việc bảo vệ chính mình. Cô chia sẻ việc gia đình cô đã bị bức hại ra sao chỉ vì giữ vững đức tin vào Pháp Luân Công. Mẹ cô, bà Kiều Lương Ngọc, và cha cô, ông Giang Khải Tường (một bác sĩ ở bệnh viện Trung Tín, thuộc thị trấn Bão Hạ, thành phố Thập Yển, tỉnh Hồ Bắc) đã bị bắt giữ nhiều lần trong quá khứ. Cha cô từng bị giam giữ trong ba năm. Trong thời gian đó, ông bị tra tấn tàn bạo đến mức bị gãy một chân và bị gãy hết răng.

Chị gái của cô Giang đã phải rời bỏ Trung Quốc để tránh bị bắt. Cha mẹ của họ bị theo dõi cả ngày lẫn đêm và không được phép rời khỏi quê nhà ở tỉnh Hồ Bắc. Người chị gái hiện đang yêu cầu chính quyền trả tự do cho em gái của mình.

c4a4b94262e9f7422e90260c9d9d05ea.jpg

Cô Giang Lệ Ngọc (đứng) và chị gái, cô Giang Liên Kiều


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2018/7/25/371601.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2018/7/30/171321.html

Đăng ngày 18-08-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share