Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở Thiên Tân, Trung Quốc

[MINH HUỆ 26-6-2018] Khoảng 3 giờ sáng ngày 5 tháng 2 năm 2018, bà Lữ Quế Nhân thức giấc vì khát nước. Một lính canh trực ca đã cảnh báo bà Lữ rằng không được cử động và đã đưa cho bà một cốc nước. Bà Lữ nhận cốc nước nhưng đột nhiên bị ngã và bất tỉnh. Hiện bà vẫn đang trong tình trạng hôn mê kể từ thời điểm đó.

Bà Lữ, ngoài 60 tuổi, bị bắt vào tháng 3 năm 2012 vì từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện tinh thần đang bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại. Bà Lữ bị kết án tám năm tù và thụ án tại Nhà tù nữ Thiên Tân.

Chính quyền nhà tù đã không thành công khi cố gắng thuyết phục gia đình bà Lữ đưa bà về nhà sau khi bà rơi vào trạng thái hôn mê. Từ một nguôn tin nội bộ, người thân của bà biết rằng bà Lữ thường xuyên bị ngược đãi và họ không cho phép nhà tù trốn tránh trách nhiệm vì sự suy giảm sức khỏe và đột ngột hôn mê của bà.

Hiện tại bà Lữ đang ở trong bệnh viện nhà tù, tại đó bà bị hai tù nhân giám sát nghiêm ngặt 24/24. Chức trách nhà tù đã nói với các học viên Pháp Luân Công khác bị giam giữ ở đó rằng họ đang cố gắng hết sức để điều trị cho bà Lữ, nhưng thực tế tất cả những gì họ làm là tiêm tĩnh mạch cho bà Lữ.

Buộc phải đứng 18 tiếng

Tất cả các học viên Pháp Luân Công mới bị đưa vào tù buộc phải đứng một thời gian dài trong suốt những ngày đầu bị giam cầm. Bà Lữ cũng không ngoại lệ. Bà bị giam giữ trong một phòng nhỏ và có hai tù nhân giám sát bà cả ngày. Hàng ngày, bà Lữ bị buộc phải đứng từ 5 giờ sáng tới 11 giờ đêm. Thời gian đứng tăng lên khi bà từ chối viết đơn từ bỏ Pháp Luân Công.

Buộc phải lao động nặng nhọc không được trả lương

Sau đó bà Lữ bị buộc phải lao động nặng nhọc hơn 12 tiếng mỗi ngày mà không được trả lương. Chính sách của nhà tù là tù nhân phải làm việc và hoàn thành chỉ tiêu của họ miễn là tù nhân vẫn có thể đứng được trên đôi chân của mình. Hạn mức sản lượng cao đến nỗi hàng ngày các tù nhân thường phải làm việc từ 12 tiếng trở lên, làm bạt mạng cũng không hoàn thành nổi sản lượng. Nhưng nếu không hoàn thành sản lượng thì lại bị trừng phạt nghiêm khắc.

Các tù nhân còn phải trực một tiếng rưỡi ca tối trong khi những người khác ngủ. Các học viên Pháp Luân Công như bà Lữ thường phải bắt đầu ca làm việc từ 4 giờ sáng, do đó họ gần như không có thời gian ngủ.

Cứ như vậy bà Lữ phải gồng lên để theo kịp thời gian biểu khắt khe đó, sức khỏe của bà ngày một suy giảm. Một học viên khác bị giam giữ ở đó đã gặp bà vào khoảng tháng 11 năm 2017 và nhận thấy rằng bà đi lại khó nhọc. Học viên cũng thấy mà Lữ đang bị buộc phải uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc.

Gia đình tan nát

Chồng của bà Lữ đã chết vì bệnh tật khi bà mới 30 tuổi. Pháp Luân Công mang lại hy vọng cho bà Lữ. Bà đã tự nuôi con trai mình và bà rất hạnh phúc khi con trai thi đậu vào một trường đại học trọng điểm.

Con trai của bà Lữ đã rất sốc và suy sụp khi mẹ anh bị bắt vào tháng 3 năm 2012 vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Ở trong tù, vì bị ngược đãi tàn bạo, thân thể bà Lữ nhanh chóng xuất hiện vấn đề về tim mạch và bị đột quỵ, bà được đưa tới bệnh viện nhà tù cấp cứu. Họ đã không đồng ý cho bà được tại ngoại để điều trị y tế cho tới khi con trai bà đồng ý trả họ 18.000 nhân dân tệ.

Ngày 5 tháng 12 năm 2012, cảnh sát địa phương đã nói với bà Lữ rằng bà phải đi khám sức khỏe và họ đến đón bà đi. Con trai của bà yêu cầu được đi cùng với mẹ. Anh đã được phép lên xe cảnh sát, nhưng cảnh sát đã lừa anh xuống xe sau khi đi được một đoạn đường ngắn. Sau đó họ bắt mẹ của anh và tống giam bà.

Bà Lữ đã nhanh chóng bị kết án và cầm tù và hiện tại đang trong trạng thái thực vật.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/6/26/370244.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/7/3/170980.html

Đăng ngày 16-7-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share