Bài viết của Omid Ghoreishi, Thời báo Đại Kỷ Nguyên

[MINH HUỆ 27-5-2018] Ngày 23 tháng 5 vừa qua, các Thượng Nghị sỹ tại Ủy ban Thường trực về Nhân quyền thuộc Thượng viện Canada được thông báo về việc tại sao quốc gia này cần có một đạo luật riêng để chống buôn bán nội tạng, đặc biệt là khi có sự tham dự của Trung Quốc, một quốc gia ở đó nhà nước hậu thuẫn cho nạn cưỡng bức mổ cướp nội tạng.

“Buôn bán nội tạng người đã trở thành một vấn nạn toàn cầu”, Nghị sỹ Salma Ataullahjan phát biểu trong phiên điều trần của ủy ban về dự luật S-240 mà bà bảo trợ.

Dự luật này nhắm đến những sửa đổi bổ sung cho Bộ luật Hình sự liên quan đến những vi phạm về nạn buôn bán nội tạng và mô người. Đồng thời, dự luật này cũng đưa ra những sửa đổi cho Luật Nhập cư và Bảo vệ Người tị nạn, ngăn cấm không cho bất kỳ cư dân thường trú hay công dân nước ngoài nào tham gia vào việc buôn bán nội tạng và mô người nhập cảnh vào Canada.

Cũng theo bà Ataullahjan, hiện tại ở Canada không có bất cứ điều luật nào ngăn cấm du lịch ghép tạng – một thủ đoạn du lịch nước ngoài để mua bán nội tạng cho việc cấy ghép và sau đó trở lại Canada.

“Nạn buôn bán nội tạng là một thông lệ nhắm đến những người bần cùng nghèo khổ và dễ tổn thương, và vi phạm vào những nguyên tắc của sự bình đẳng, công bằng và tôn trọng phẩm cách con người”, bà Ataullahjan cho biết.

Cựu Nghị sĩ Quốc hội cựu Quốc Vụ Khanh Canada khu vực Châu Á – Thái Bình Dương David Kilgour, phát biểu trước ủy ban, nhấn mạnh tính nghiêm trọng của vấn nạn này ở Trung Quốc.

“Một trong những sự việc khiến tôi trăn trở đó là bi kịch của một người mẹ phải bán thận của mình để con bà có thể đi học đại học. Nhưng tôi tin rằng ngoài 196 quốc gia trên thế giới hiện nay, chỉ có duy nhất một quốc gia mà ở đó chính phủ điều hành việc buôn bán này, và không ai có thể sống sót ở Trung Quốc”, Kilgour cho biết.

“Điều quan trọng là khi chúng ta phân biệt được những gì xảy ra đằng sau các con hẻm ở một vài thành phố với những điều đang diễn ra tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa”, ông lưu ý.

Theo các báo cáo điều tra của ông Kilgour và ông David Matas, luật sư nhân quyền tại thành phố Winnipeg, Trung Quốc đã thu hoạch nội tạng từ những tù nhân lương tâm trên diện rộng, chủ yếu là những học viên Pháp Luân Đại Pháp, và kiếm được nhiều tỷ đô la từ việc kinh doanh những nội tạng đó, làm giàu cho nhiều quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Pháp Luân Đại Pháp, hay còn gọi là Pháp Luân Công, là môn tu luyện thiền định tinh thần truyền thống đang bị bức hại nghiêm trọng ở Trung Quốc.

Ông Matas còn cho biết, số lượng những ca ghép tạng tại Trung Quốc tăng lên rất nhanh trong thời gian ngắn sau khi ĐCSTQ phát động chiến dịch bức hại đối với những người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1999.

Một báo cáo điều tra cập nhật năm 2016 của các tác giả Kilgour, Matas, nhà báo điều tra Hoa Kỳ và ông Ethan Gutmann cho thấy, hàng năm Trung Quốc thực hiện ít nhất 60.000 ca cấy ghép nội tạng – lớn hơn nhiều lần con số chính thức 10.000 ca do ĐCSTQ đưa ra.

“Nếu bạn làm một phép tính số học, có thể thấy rằng mỗi ngày ở Trung Quốc có khoảng 150 người bị giết để lấy nội tạng. Và không ai có thể sống sót sau những ca phẫu thuật thu hoạch tạng đó”, Kilgour cho biết.

“Vô cùng chấn động”

Dự luật này của Thượng viện tương tự như dự luật C-350, một dự luật do Garnett Genuis, Nghị sỹ Đảng Bảo thủ đề xuất, đang chờ Quốc hội thông qua. Dự luật được đề xuất bởi một thành viên trong quốc hội hiếm khi trở thành điều luật chính thức, tuy nhiên Genuis và Ataullahjan hy vọng rằng dự luật Thượng viện hiện có sẽ góp phần đảm bảo cho dự luật này được thông qua.

Trước đó, các Nghị sỹ của Đảng Tự do và Đảng Bảo thủ cũng đệ trình những dự luật tương tự, bao gồm hai lần đệ trình bởi Nghị sỹ Đảng Tự do Borys Wrzesnewskyj và một lần bởi cựu Nghị sỹ, Bộ trưởng Tư pháp Irwin Cotler.

“Khi tôi xét đến số lần mà Đảng Tự do và Đảng Bảo thủ đệ trình dự luật này lên Hạ viện, và cho đến nay vẫn luôn không có tiến triển gì, các bạn cần tự hỏi: Đến khi nào chúng ta mới thật sự bày tỏ quan điểm của mình và hành động”, Thượng Nghị sỹ Jane Cordy nói.

“Đây là một vấn nạn toàn cầu, thực sự là một vấn đề toàn cầu, và tôi nghĩ rằng đôi khi chúng ta ngồi họp ở Canada và nghĩ rằng vấn đề đó không hề ảnh hưởng tới chúng ta, nhưng khi tôi tìm hiểu về 50 bệnh nhân của một bác sỹ tại Toronto, những người đã đi Trung Quốc để cấy ghép nội tạng, tôi thật sự chấn động vì điều đó”, bà Jane Cordy cho biết thêm.

Bà Cordy đã đề cập đến một viện dẫn của ông Matas về trường hợp của một bác sỹ ở bệnh viện St.Michael, Toronto, báo cáo rằng có khoảng 50 bệnh nhân của ông đã tới Trung Quốc đề cấy ghép nội tạng.”

Một số nước trên thế giới, bao gồm Đài Loan, Isarel, Tây Ban Nha, Ý và Na Uy đã thông qua điều luật hạn chế công dân các nước đó tiếp nhận nguồn nội tạng cấy ghép từ bên ngoài.

Biện pháp ngăn chặn

Thượng Nghị sỹ Ataullahjan cho rằng nếu dự luật này được thông qua, du khách tới Trung Quốc để cấy ghép tạng sẽ hiểu rõ hơn về nguồn cung cấp nội tạng.

“Họ sẽ cân nhắc những việc mà họ sắp tham gia vào… Hiện tại, có nhiều thứ rất mờ ám và thiếu minh bạch mà không có luật nào làm rõ.”

Ông Matas cho rằng luật này được thực thi sẽ như một biện pháp ngăn chặn đối với các chuyên gia y tế ở Trung Quốc từng tham gia vào việc cưỡng bức mổ cướp nội tạng.

“Về cơ bản Đảng Cộng sản Trung Quốc không hề quan tâm. Mối quan tâm bậc nhất của họ là quyền kiểm soát chứ không phải tôn trọng nhân quyền. Nhưng nghề ghép tạng không tập trung vào quyền kiểm soát của ĐCS như đối với chính phủ”, ông Matas phát biểu.

“Vậy để nói rằng bạn không thể nhập cảnh vào [Canada], hoặc thậm chí tệ hơn nữa là bạn sẽ bị truy tố sau khi nhập cảnh, điều này tác động ít nhiều đến họ. Do vậy…cho dù số người có thể bị truy tố là nhỏ nhưng việc đó cũng giúp truyền tải một thông điệp tới họ.“

Thượng Nghị sỹ Ngô Thanh Hải đưa ra ý tưởng liệu những người gây ra nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng có thể bị trừng phạt theo đạo luật Magnitsky vừa mới được thông qua của Canada, nhắm đến những cá nhân ngoại quốc gây ra những vi phạm thô bạo về nhân quyền.

“Về mặt pháp lý, chúng nằm trong phạm vi của đạo luật đó và có thể được đưa vào danh sách”, ông Matas đáp lời.

Dự luật S-240, dự luật sửa đổi bổ sung cho Bộ luật Hình sự và Luật Bảo vệ Người tị nạn hiện đang được Ủy ban Thường trực về Nhân quyền của Thượng viện xem xét trước khi bước vào phiên đọc thứ 3 ở Thượng viện.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/5/27/368073.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/5/28/170573.html

Đăng ngày: 8-8-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share