Bài viết của Tuệ Sinh, một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 18-5-2018] Có lẽ một trong những chủ đề được các bậc phụ huynh thảo luận nhiều nhất là làm sao để nuôi dạy con trẻ, đặc biệt là đối với những gia đình chỉ có một con duy nhất trong một môi trường mà đạo đức xã hội tụt dốc như tại Trung Quốc. Là học viên Pháp Luân Đại Pháp, tôi dường như không gặp phải vấn đề này.

Các đồng nghiệp của tôi, trong khi thường phàn nàn về con của họ, thì hay khen ngợi con trai tôi rằng: “Bây giờ khó tìm thấy một đứa bé ngoan như thế.” Khi được hỏi cách tôi đã dạy con, tôi thường nói với họ rằng vợ chồng tôi đều là học viên Pháp Luân Đại Pháp và điều duy nhất chúng tôi dạy con là bảo con học các bài giảng Pháp và chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn trong cuộc sống thường ngày.

Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp

Con trai tôi không được khỏe mạnh từ lúc cháu mới được sinh ra và thường xuyên phải theo dõi điều trị y tế. Mỗi ngày, tôi đều phải lo lắng về việc mặc quần áo giữ ấm cho cháu, tùy thuộc theo thời tiết. Lúc đó, tôi cũng ốm yếu suy nhược và các bác sĩ chẳng thể giúp được gì. Thấy tôi lo lắng mệt mỏi, một đồng nghiệp đã nói với tôi về việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Khi tôi đưa con trai đến thăm nhà người bạn đồng nghiệp, cô ấy mở các băng hình giảng Pháp và luyện công cho chúng tôi xem. Con trai tôi nói rằng cháu đã thấy đồ hình Pháp Luân trên sách Chuyển Pháp Luân xoay xuôi rồi lại xoay ngược chiều kim đồng hồ. Điều này khiến chúng tôi vô cùng kinh ngạc bởi cả hai vợ chồng tôi đều được nuôi dạy theo chủ nghĩa vô thần. Chúng tôi biết rằng đây không phải là cuốn sách bình thường và thế là chúng tôi thường xuyên đọc nó.

Khi con trai tôi lên bốn tuổi, cháu cùng đọc sách Chuyển Pháp Luân với chúng tôi. Sau khi đọc xong cuốn sách một lượt, cháu đã thuộc mặt chữ và có thể tự đọc một mình. Các đồng nghiệp của tôi gọi cháu là thần đồng. Tôi luôn nhắc họ rằng đó là vì cháu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Con trai tôi đã hoàn toàn hồi phục sức khỏe và trở nên khỏe mạnh. Tôi không còn phải lo lắng về việc mặc ấm cho cháu vào ban đêm nữa, cũng không phải lo lắng khi các bạn học cùng lớp cháu bị cảm ốm.

Cháu cũng trở nên biết vâng lời hơn so với các bạn cùng tuổi. Vào một ngày đầu năm mới, khi mọi người cùng xem TV muộn vào ban đêm, vì đang bị lôi cuốn vào các tiết mục trên truyền hình nên cháu đã lờ đi khi nghe cha cháu bảo đi ngủ. Tôi thì thầm với cháu: “Chẳng phải Sư phụ đã giảng chúng ta phải biết nghĩ cho người khác trước? Người lớn đã bận rộn cả ngày, chẳng phải con nên để họ nghỉ ngơi sớm hay sao?” Cháu lập tức vâng lời và tắt TV.

Dì cháu cho là tôi dạy con tốt, nhưng tôi nói rằng các nguyên lý của Pháp đã giúp cháu hành xử đúng đắn. Người thân trong gia đình tôi đều rất ủng hộ chúng tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Con trai tôi cũng đối xử tốt với những đứa trẻ cùng tuổi khác. Khi chúng cố gắng đánh nhau với cháu, cháu không hề giận dỗi hay khóc lóc.

Thành tích học tập tốt

Người tu luyện nên học Pháp mỗi ngày, đó là một phần của việc tu luyện. Mặc dù phải dành thời gian học Pháp, ấy vậy mà điều này chẳng hề ảnh hưởng đến việc học tập của con trai tôi. Đó chính xác là vì cháu đều đặn học Pháp và phát chính niệm nên cháu có thể tập trung hơn khi học trong lớp. Cháu luôn luôn hoàn thành bài tập về nhà đúng hạn, không bao giờ gặp rắc rối, và biết cách tránh xa những ảnh hưởng tiêu cực của xã hội.

Từ cấp tiểu học đến trung học, con trai tôi luôn là một học sinh gương mẫu. Bên dưới là những lời nhận xét được trích ra từ hồ sơ đánh giá học sinh trung học của cháu.

“Thái độ của con nhã nhặn và cẩn thận, suy nghĩ của con trong sáng như tuyết, ở con có sự kiên trì. Tấm lòng con rộng mở và sâu sắc như thung lũng, con nhiệt thành và can đảm.”

“Tấm lòng của con khiêm tốn và chân thật đến nỗi lay động lòng người. Con âm thầm đóng góp công sức cho lớp và chăm chỉ học tập. Với tư cách là cô giáo của con, cô ngưỡng mộ sự dũng cảm của con khi vượt qua khó khăn và thái độ hoàn thiện công việc của con.”

“Đối với việc học của con, con không tự phụ khi thành công và không nản lòng khi gặp thất bại. Thầy đánh giá cao sự kiên trì trong học tập của con.”

“Thay vì khôn khéo, thì con luôn luôn khiêm nhường và đối xử với các bạn cùng lớp bằng sự ấm áp và bao dung. Con chưa hề than phiền bất cứ điều gì. Con biết chăng, các bạn học trong lớp tôn trọng con không phải vì những điểm số cao của con, mà bởi vì chính thái độ chân thật của con.”

Đắc phúc báo từ việc tu luyện Đại Pháp

Con trai tôi được nhập học ở một trường trung học tốt nhất của thành phố. Cháu đại diện cho cả sáu lớp chuyên khi đi thi cấp quốc gia và đã phá kỷ lục của trường khi đạt một giải nhất và hai giải nhì.

Khi lớp cháu phải ở lại học sau giờ tan trường, cháu luôn luôn nán lại, đợi cho các bạn trong lớp về hết thì mới tắt hết tất cả các bóng đèn điện trong lớp và ra về sau cùng.

Trong năm học thứ hai, giáo viên chủ nhiệm của cháu đề xuất cháu là lãnh đạo học sinh xuất sắc của tỉnh. Họ phát hiện ra con trai tôi chưa gia nhập Đoàn Thanh niên, nên giáo viên chủ nhiệm cháu đã đề cập vấn đề này với cháu, nhưng cháu đã lịch sự từ chối.

Trong năm học cuối, giáo viên chủ nhiệm muốn cho cháu cơ hội được vào thẳng trường đại học nguyện vọng một mà không cần phải thi đầu vào. Tuy nhiên, một giáo viên khác đã không đồng tình và trao cơ hội này cho một học sinh khác. Con trai tôi không hề than phiền và cũng không để tâm đến chuyện đó. Cháu đã làm bài thi tuyển đầu vào rất tốt và đứng đầu trong lớp và đã được nhận vào trường đại học theo nguyện vọng một của cháu.

Sau bốn năm đại học, con trai tôi tốt nghiệp với điểm số cao và được nhận vào học chương trình thạc sĩ ở một trường đại học danh tiếng của Mỹ. Cháu không thuê công ty tư vấn du học để điền đơn nhập học như những người khác. Cháu được năm trường đại học nhận vào học. Cháu đã tốt nghiệp và làm việc cho một công ty công nghệ ở Mỹ.

Nhờ Pháp Luân Đại Pháp, cuộc đời của con trai tôi đã luôn suôn sẻ trong suốt hai mươi năm qua. Cả nhà tôi đã biết được ý nghĩa chân chính của cuộc đời và bước đi trên con đường quay trở về chân ngã thực sự của mình. Hết thảy điều này xảy đến cho chúng tôi là nhờ Sư phụ Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp.

(Hưởng ứng lời kêu gọi viết bài “Kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới” năm 2018 trên trang web Minh Huệ.)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/5/18/365153.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/5/25/170535.html

Đăng ngày 3-6-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share